Giả thuyết mới về khủng long
Khủng long không phải là loài máu lạnh vì điều này sẽ khiến chúng yếu ớt về thể chất, một đặc điểm chẳng hề phù hợp với loài động vật từng thống trị trên địa cầu thời xưa.
Trong nhiều thập niên, giới khoa học cho rằng khủng long là loài máu lạnh, do nhiều loài hiện nay được cho là hậu duệ trực hệ của chúng thường là các động vật bò sát máu lạnh như cá sấu.
Nghiên cứu mới của Đại học Adelaide (Úc) đã lật ngược giả thuyết trên, cho rằng các loài khủng long như khủng long bạo chúa trên thực tế là loài máu nóng như chim chóc và động vật có vú.
Khủng long bạo chúa được cho là loài máu nóng như chim chóc và động vật có vú - (Ảnh: Wikimedia Commons)
Theo báo cáo trên chuyên san PLoS ONE, các chuyên gia phân tích rằng nếu máu lạnh, chúng không đủ khả năng cơ bắp để săn mồi trong giai đoạn Đại Trung Sinh, và cũng chẳng đủ sức thống trị loài động vật có vú cùng thời.
Các khủng long sống trong kỷ nguyên trên, cách đây từ 252 triệu đến 66 triệu năm, bao gồm khủng long bạo chúa, thằn lằn mái nhà (Stegosaurus) và khủng long ăn thực vật Brontosaurus.
Cá sấu nước mặn có thể đạt được nhiệt độ trên 30 độ C bằng cách tắm nắng, và nó có thể duy trì thân nhiệt qua đêm nhờ cơ thể to lớn và chậm thay đổi nhiệt độ.
Các nhà khoa học cho rằng khủng long máu lạnh cũng có thể làm điều tương tự.
Tuy nhiên, Giáo sư Roger Seymour chứng minh rằng một con cá sấu nặng 200kg chỉ có thể sản sinh sức mạnh cơ bắp bằng 14% so với một động vật có vú nặng tương đương.
Cá sấu nước mặn có thể nặng trên 1 tấn, sở hữu sức mạnh cơ bắp khoảng 50%.
Do vậy, khủng long thời xưa không thể là loài máu lạnh, do chúng yếu ớt và sức chịu đựng cũng giảm hẳn trong điều kiện máu lạnh.