Giả thuyết sửng sốt, voi Mamút tuyệt chủng vì khát nước?
Nguyên nhân thực sự khiến voi ma mút tuyệt chủng hiện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có thể những con voi ma mút cuối cùng trên Trái đất đã chết vì thiếu nước uống.
Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng con voi ma mút cuối cùng đã biến mất ở châu Âu và nam Xibia khoảng 12.000 năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số giả thiết khác, cho rằng khoảng 8.000 năm sau khi loài ma mút trên đất liền bị tuyệt chủng, trên hòn đảo hẻo lánh St.Paul ở vùng Alaska vẫn còn tồn tại một số cá thể voi ma mút. Đây mới là những cá thể ma mút cuối cùng còn sót lại trên Trái đất.
Hóa thạch loài voi ma mút lông mịn cũng đã được phát hiện trong một hang động trên đảo St.Paul. (Ảnh minh họa).
Hóa thạch loài voi ma mút lông mịn cũng đã được phát hiện trong một hang động trên đảo St.Paul. Đặc biệt, trên hòn đảo này cũng không có dấu hiệu cho thấy sự sống của con người. Vì vậy khả năng voi mamút trên hòn đảo này bị tuyệt chủng do con người săn bắn là không có.
Từ suy luận đó, các nhà khoa học đã đề ra một giả thuyết khác, rằng: đến cách đây 5.600 năm, hồ nước ngọt duy nhất trên hòn đảo St.Paul dần bị thu hẹp. Lượng nước không đủ để cung cấp cho những con voi mamút có kích thước lớn. Do đó chúng chết dần và loài ma mút bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu phần trầm tích của đáy hồ và tìm thấy dấu vết của các loài thực vật cổ đại, động vật, nấm và thậm chí là cả dấu vết DNA của loài voi khổng lồ. Ngoài ra, họ cũng nhận thấy có sự gia tăng của tảo chịu mặn và động vật giáp xác trong hồ vào khoảng cách đây 6.000 năm, chứng tỏ lượng nước ngọt trong hồ vào thời điểm đó đã ít dần và mặn lên theo thời gian do nước biển dâng.
Một số đảo ở Nam Thái Bình Dương hiện đang gặp phải tình trạng thiếu nước ngọt tương tự do nước biển dâng. Đó là tin xấu cho các đảo và vùng ven biển nơi có những động vật kích thước lớn, cần nhiều nước ngọt để tồn tại.