Giải mã bí ẩn đằng sau 8 dòng họ lớn nhất Trung Quốc thời thượng cổ
Tại Trung Quốc, họ có nguồn gốc từ xã hội mẫu hệ. Những đứa trẻ thời đó chỉ biết mẹ, không biết cha. Bởi vậy, những người cùng một họ tức là có cùng mối quan hệ huyết thống của cùng một tổ tiên. Người ta nói rằng hầu hết các họ ở Trung Quốc ngày nay đã phát triển từ tám họ lớn.
Họ Cơ
Họ Cơ có nguồn gốc từ hoàng đế. Tương truyền, hoàng đế được sinh ra ở một vùng đất ven sông “Cơ”, do đó hình thành nên họ Cơ. Trong những năm đầu của triều đại Tây Chu, nhà Chu đã tiến hành một sự phân chia quy mô lớn giữa các quốc gia chư hầu. Trong số đó, có 53 thành viên của gia tộc Cơ. Tuy nhiên, sau đó hậu bối của những gia tộc họ Cơ này đã lấy tên đất được sắc phong, hoặc tên tổ phụ làm họ, bởi vậy họ Cơ ngày một ít đi. Khi đến thời Đường Huyền Tông của nhà Đường, họ Cơ bắt đầu đổi thành họ Chu để tránh trùng tên với hoàng đế Lí Long Cơ (cùng âm nhưng khác chữ).
Họ Cơ sau này đã phát triển thành hàng trăm họ như: Chu, Ngô, Trịnh, Lỗ, Ngụy, Dương, Thái, Hàn, Hoắc, Quản, Mao, Tào, Vệ, Tất, Tưởng…
Họ Khương
Họ Khương, bắt nguồn từ Viêm Đế trong truyền thuyết, tức là Thần nông thị, tương truyền là một trong "ba hoàng đế" cổ xưa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Viêm đế được sinh ra ở Khương Thủy, bởi vậy họ Khương cũng được bắt nguồn từ đây. Vào đầu thời kỳ nhà Chu, duệ tử Khương Tử Nha khai lập nước Tề, đến thời giữa Chiến quốc, bị Điền thị tiêu diệt, tôn tử phân tán, người thì lấy quốc danh làm họ là họ Tề, người vẫn giữ lại họ Khương.
Theo nghiên cứu, từ thế hệ đầu tiên của quân vương Tề quốc là Khương Thái Công cho tới hiện tại, tổng cộng có 102 họ được phát triển từ họ Khương ra, bao gồm 64 họ đơn như Lã, Hứa, Tạ, Kỷ , Khâu, Lô… và 38 họ kép như Thuần Vu, Đông Quách, Cao Đường, Tử Nhã, Ung Môn, Công Ngưu…
Họ Tự
Truyền kỳ về nguồn gốc của họ Tự khá thần bí. Tương truyền, mẹ của Hạ Vũ nuốt hạt đậu mà sinh ra ông. Cha của Tự Hạ Vũ (hay còn gọi là Tự Văn Mệnh) là Cổn, được vua Nghiêu phong vương ở đất Tung Sơn. Sau đó, các đời hậu bối tiếp tục được phong đất ở các nơi khác, lấy tên đất làm họ, ví dụ như Thẩm, Tự, Nhục, Hoàng…
Họ Tự sau này còn phát triển thành các họ tộc như: Đậu, Nhất Lộc, Đậu Lăng, Độc, Hạ Hầu, Hầu, Kỷ, Đền, Lâu, Lưu, Cái, Ung Khâu, Úc Ly, Tôn, Ba…
Họ Doanh
Họ Doanh có từ thời vua Nghiêu vua Thuấn.
Họ Doanh có từ thời vua Nghiêu vua Thuấn. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên có ghi: Cháu gái của Đế Chuyên húc là Nữ Tu làm nghề dệt vải, nuốt phải quả trứng của chim én bay trên trời, sinh ra Bá Nghiệp (còn gọi là Cao Dao). Bá Nghiệp lấy con gái của bộ lạc Thiếu Điển là Nữ Hoa mà sinh ra con là Đại Phí, hay còn gọi là Bá Ích. Bá Ích theo Hạ Vũ làm công tác trị thủy, lập nhiều công lớn, được vua nước Hữu Ngu là Diêu Trọng Hoa trọng dụng, ban cho ông Diêu Khương Nữ và thưởng cho ông ấp Doanh - từ đó Bá Ích mang họ Doanh. Như vậy có thể thấy họ Hoanh bắt nguồn từ Bá Ích. Nhưng tới sau thời nhà Tần, con cháu của ông được phong tước ở các vùng đất khác nhau, lấy quốc danh làm họ, dần phát triển thị tộc lớn mạnh.
Họ Doanh tổng cộng phát triển thành 14 họ, trong đó chủ yếu là những họ phổ biến thời nay như: Liêm, Từ, Giang, Tần, Triệu, Lương, Mã, Cát, Cốc, Mậu, Trung, Phí, Cù…
Họ Quy
Họ Quy có nguồn gốc xuất phát từ họ Ngu, được phân đất từ thời hậu duệ bộ lạc Cao Tân thời thượng cổ. Truyền thuyết kể rằng khi Thuấn (còn gọi là Ngu Thuấn) còn là một thường dân, ông đã biểu hiện có đức có tài. Thủ lĩnh bộ lạc là vua Nghiêu khi đó rất tán thưởng tài năng của ông, liền đem hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho ông. Sau đó Đế Thuấn di cư về ở gần sông Quy (nay là sông Amu Darya), lấy thêm họ Quy. Tới thời hậu bối của ông vẫn có một số con cháu giữ họ Quy.
Họ Quy sau này phát triển thành một số họ lớn ở Trung Quốc thời hiện đại như: Tiết, Trần, Hồ, Viên, Điền, Tề, Vương, Tôn…
Họ Cật
Họ Cật có nguồn gốc từ thời Hiên Viên hoàng đế trong truyền thuyết, là họ được đích thân hoàng đế ban cho. Người đầu tiên được ban cho họ này là một trong số 25 hoàng tử con vua – Bá Thúc. Theo ghi chép trong cuốn “Quốc ngữ” thì: Hoàng đế có 25 con trai, trong đó có 14 người được ban họ, gồm 12 họ là Cơ, Tây, Kì, Kỉ, Đằng, Châm, Nhiệm, Tuân, Hi, Cật, Huyên, Y…
Họ Cật sau này phát triển những họ khác ở Trung Quốc như: Cát, Ung, Yến, Ngạc, Mật, Tu, Khám, Nghiêm, Quang, Dương, Khổng, Doãn, Thái, Lỗ, Duẫn, Đoạn, Đôn, Bức, Chất, Tuy...
Họ Nhậm
Theo ghi chép trong cuốn “Tả thị xuân thu”, họ Nhậm là hậu duệ của họ Hi, cũng có thể coi là hậu duệ của con vua trong truyền thuyết trung quốc.
Họ Nhậm về sau phát triển thành những dòng họ sau ở Trung Quốc: Nhâm, Hề, Kê, Tiết, Thư, Trọng, Tổ, Tạ, Xạ, Chung, Tu, Chương, Lã, Tất, Lạc…
Họ Diêu
Họ Diêu xuất phát từ thời vua Ngu Thuấn – một trong ngũ đế thượng cổ Trung Quốc. Theo ghi chép trong cuốn “Thông chí – Thị tộc lược”: Họ Diêu cũng là họ của vua Thuấn, do ông được sinh ra ở một gò đất Diêu, nên lấy tên đất làm họ. Sau đó hậu duệ tôn tử của ông cũng lấy Diêu làm họ các chi tộc. Cho tới ngày nay, họ Diêu chủ yếu phân bố ở 4 khu vực như Triết Giang, An Huy, Quảng Đông và Giang Tô.