Giới khoa học Việt Nam nói về hiện tượng Perelman
Cách đây không lâu, nhà toán học nổi tiếng người Nga Grigori Perelman, dù đang sống cùng mẹ già trong căn hộ tuềnh toàng vẫn từ chối giải thưởng 1 triệu USD của Viện Toán học Clay với tuyên bố, "tôi không cần gì hết".
Trước sự kiện này, có ý kiến cho rằng các nhà khoa học Việt Nam cần học theo Perelman, không đòi hỏi nhiều đãi ngộ mà vẫn có thể cống hiến hết mình cho khoa học.
Giáo sư Hoàng Ngọc Long, Viện Vật lý và Điện tử, cho rằng: “Đã làm khoa học là cống hiến. Nhà nước không cần hô hào, chúng tôi vẫn tự khắc theo đuổi khoa học, một khi đã có lòng đam mê. Tôi cũng có những học trò rất giỏi đã chấp nhận bỏ kiếm tiền để làm nghiên cứu”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Phạm Đức Chính, Viện Cơ học lại cho rằng: “Theo tôi, nhà khoa học không nhất thiết phải như Bruno - sẵn sàng chết trên dàn thiêu để bảo vệ quan điểm khoa học của mình, hay như Perelman từ chối cả huy chương Fields và giải thưởng 1 triệu USD. Sự đóng góp hết mình của nhà khoa học, trước hết ở những nghiên cứu nghiêm túc”.
Nhà toán học người Nga Grigori Perelman.
Và tiến sĩ Chính nhận định: “Tiếc là ở Việt Nam có nhiều nhà khoa học sớm nhận được bằng cấp học vị cao ở nước ngoài, nhưng khi trở về không còn tiếp tục nghiên cứu, mà chuyển qua con đường quan trường để có quyền, lợi và thế”.
Thiết thực hơn, tiến sĩ Đỗ Vân Nam, Viện HAST, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho rằng: "Tôi xác định khoa học là một nghề, và mong muốn sống được ở đó. Kêu gọi cống hiến không sẽ rất dễ thành khẩu hiệu suông”.
Là người trong nhiều năm nay kiên trì đòi hỏi phải có cơ chế lương thỏa đáng hơn cho nhà khoa học, giáo sư Hoàng Tụy phân tích: “Phải thấy rằng, ngoài nhu cầu vật chất như bất kỳ người bình thường nào, nhà khoa học còn có những nhu cầu đặc thù: Nhu cầu trao đổi với bạn bè đồng nghiệp, làm việc trong nhóm để cùng hình thành ý tưởng, phát triển sáng tạo. Điều kiện vật chất khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến lâu nay Việt Nam chưa hình thành được các nhóm khoa học mạnh”.
Giáo sư Hoàng Tụy nêu ví dụ: “Giao du với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, nếu mức sống giữa người làm khoa học Việt Nam quá chênh lệch với đồng nghiệp nước ngoài sẽ dễ nảy sinh những mặc cảm. Ví dụ, tôi được bạn mời nhưng đến khi muốn mời lại bạn thì tôi không có tiền”.
Trước “hiện tượng Perelman”, giáo sư Hoàng Tụy kết luận: "Trong khoa học những con người đáng nể phục như vậy cũng không phải quá hiếm, tuy nhiên lấy họ làm gương để noi theo thì không mấy ai. Riêng tôi chẳng hạn, thú thật ở địa vị của ông ấy, chắc tôi không làm như vậy và không hề mặc cảm hay xấu hổ nói ra điều này. Không nên và không thể đòi hỏi nhà khoa học nào cũng như Perelman. Nếu ai cũng coi thường vật chất đến cực đoan như thế thì có lẽ là thảm họa cho khoa học”.