Giới khoa học xôn xao vì hạt thóc 3.000 tuổi nảy mầm
Trong lúc khai quật tại Thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội), đoàn khai quật đã tìm thấy rất nhiều hạt thóc và gạo cháy xém ở tầng đất có niên đại 3.000 năm. 10 hạt nảy mầm khi ngâm trong nước bảo quản.
Thông tin trên được Phó giáo sư - Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định. Theo Tiến sĩ Dung, hơn một tháng trước, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kết hợp với Bảo tàng Hà Nội đã tiến hành khai quật tại địa điểm khảo cổ Thành Dền trên diện tích 300 m2. Trong quá trình khai quật đã xuất lộ nhiều vết tích bếp cổ (hố rác bếp).
Đầu tháng 5, đoàn khai quật đã tìm thấy những hạt thóc và gạo cháy xém tại 4 hố rác bếp, tất cả đều nằm trong một mặt bằng lớp 8, sâu gần 1 mét so với mặt đất. Đất ở lớp này có nước rỉ ra, xung quanh có rất nhiều than tro cùng các tàn tích thức ăn như xương cá, vỏ ốc...
Những hạt thóc nảy mầm được khai quật từ tầng đất có niên đại 3.000 năm.
Theo bà Dung, sự phát hiện những hạt thóc và hạt cơm cháy xém không phải là đặc biệt, nhưng điều làm bà và các cộng sự hết sức ngỡ ngàng là sau khi ngâm trong nước để bảo quản khoảng 2 ngày thì có tới 10 hạt thóc đã nảy mầm, đâm lá.
Dù vô cùng ngạc nhiên và không thể lý giải về sức sống của các hạt thóc, song với tư cách phụ trách khai quật, theo dõi sát từ đầu chí cuối cũng như trực tiếp làm hiện vật, tiến sĩ Dung khẳng định "những hạt lúa này được lấy ra từ các hố rác bếp thuộc Văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm".
Trước thông tin này, các nhà khoa học nông nghiệp trong nước đều tỏ ra hết sức thận trọng và nghi ngờ. Theo ông Lê Duy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, vẫn có khả năng hạt thóc nảy mầm sau vài ngàn năm "nhưng đây là hiện tượng hy hữu".
"Về nguyên lý, rất khó có thể có hạt lúa có từ 3.000 năm trước mà vẫn nảy mầm được. Tuy nhiên, không loại trừ được khả năng này vì rất có thể những hạt lúa đó được bảo quản trong một môi trường đặc biệt mà con người chưa biết đến", ông Hàm nói.
Còn theo Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, với những máy móc và phương tiện hiện đại nhất cũng chỉ bảo quản được những hạt giống có thể nảy mầm sau tối đa là 50 - 100 năm. Theo các nhà khoa học, để có câu trả lời chính xác và thuyết phục về niên đại của những hạt thóc nảy mầm cần phải lấy mẫu đi phân tích hàm lượng carbon.
Khai quật tại hố khảo cổ Thành Dền.
Tiến sĩ Dung cho biết, việc này sẽ được tiến hành ngay sau khi đoàn hoàn thành công tác khai quật hiện trường, khoảng 1-2 tuần nữa và kết quả cũng sẽ có sau đó vài tháng. Cũng theo bà, việc phát hiện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm có ý nghĩa rất to lớn, nó là một trong những chứng cứ để nói về nền văn minh lúa nước của tổ tiên.
"Đây là một phát hiện độc đáo, vô tiền khoáng hậu, đặt ra những vấn đề mới cần phải nghiên cứu để trả lời chính xác cho các câu hỏi: đó là giống lúa gì, tại sao nó lại nẩy mầm được sau chừng ấy năm, hạt lúa đã được bảo quản trong môi trường như thế nào, có nguồn gene quý không...", bà Dung nói.
Theo bà Dung, các nhà khoa học trong và ngoài nước phải hợp sức nhau lại mới mong sớm tìm ra câu trả lời. Hiện, 8 hạt lúa nảy mầm đã được đưa đến Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu. Hai hạt nảy mầm khác cũng sẽ được đưa tới Viện lúa của ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
Tiếp nhận các hạt lúa đã nảy mầm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Duy Hàm cho biết, hiện chưa nhận thấy sự khác thường của những mầm lúa này so với các giống lúa đương đại.
Cũng theo ông Hàm, 8 hạt thóc nảy mầm đang được trồng trong nhà lưới và được chăm sóc cẩn thận, theo dõi kỹ lưỡng về kích thước, hình dáng, nhánh lúa, khóm lúa trong suốt cả quá trình, cho đến khi làm đòng, trổ bông và cho thu hoạch. Trong thời gian đó, quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của những hạt mầm này, về hình thái học có thể biết nhận biết được tương đối chính xác nó có phải là lúa cổ hay không. Tiếp đó, ông Hàm và các cộng sự sẽ tiến hành giải trình tự gene của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gen của giống lúa hiện đại để có kết luận đó có phải là lúa cổ hay không.
"Nếu đúng là lúa cổ thì đây là một phát hiện chưa từng ghi nhận từ trước đến nay. Nó sẽ có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt lịch sử cũng như về mặt di truyền học", ông Hàm nói.
Chiều 17/5, Tiến sĩ Dung cho biết, đoàn khảo cổ tiếp tục phát hiện thêm rất nhiều hạt thóc tại các hố khai quật tại điểm khai quật Thành Dền. Các hạt thóc này đang được bảo quản trong môi trường nước xâm xấp và hy vọng sẽ có thêm những hạt nảy mầm.
Trong lịch sử khảo cổ từng ghi nhận việc các hạt giống sau hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm vẫn có thể nảy mầm. Năm 2002, các nhà khoa học ĐH California (Mỹ), thử nghiệm thành công khả năng sống sót những hạt sen 500 tuổi nằm dưới đáy một chiếc hồ ở Trung Quốc. Năm 2005, các nhà nghiên cứu Israel tiết lộ đã nhân giống được một cây chà là từ hạt giống 2.000 năm tuổi...
Tuy nhiên, hạt các loại cây lương thực như lúa, ngô được ghi nhận chỉ có tuổi thọ vài năm.
Ảnh: Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung