Giới nhà giàu Dubai uống cocktail với băng Bắc cực 100.000 năm
Hoạt động kinh doanh băng ở sông băng Greenland nổi lên như một hiện tượng mới nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận.
Đã bao giờ bạn đến Dubai và thưởng thức một ly daiquiri mát lạnh trên nóc một tòa nhà chọc trời ở nước này?
Thú vui này có vẻ đã trở nên "lỗi thời" nên một doanh nghiệp ở Greenland nghĩ ra một kiểu thưởng thức mới cho giới nhà giàu. Cụ thể, thay vì dùng đá viên thông thường, họ sẽ dùng băng ở các sông băng để làm ra ly cocktail mát lạnh, sảng khoái và độc nhất, không nơi nào có được.
Băng để làm đồ uống phải là băng tinh khiết, chưa từng chạm đất hoặc chất ô nhiễm. (Ảnh: Arctic Ice).
Khai thác băng 100.000 năm để làm đồ uống
Theo Guardian, công ty khởi nghiệp Arctic Ice thu hoạch băng từ các vùng vịnh hẹp ở Greenland, sau đó vận chuyển đến UAE để bán cho những quán bar độc quyền.
Sử dụng băng để làm đồ uống là một thói quen phổ biến ở Greenland. Và trong nhiều năm qua, một số người đã thử xuất khẩu mặt hàng này nhưng không thành công.
Người đồng sáng lập công ty Arctic Ice, ông Malik V Rasmussen, cho biết loại băng dùng để làm đồ uống đã được "đông đá" qua hàng thiên niên kỷ, hoàn toàn không có bọt khí và tan chậm hơn băng thông thường. Đặc biệt, băng này tinh khiết hơn loại nước được dùng làm đá viên ở Dubai.
Trên trang web chính thức, công ty Arctic Ice viết rằng sản phẩm của Arctic Ice được lấy từ các sông băng tự nhiên ở Bắc cực, có niên đại hơn 100.000 năm.
"Những phần băng này chưa tiếp xúc với đất hay bị ảnh hưởng từ những chất gây ô nhiễm do con người tạo ra. Điều này khiến cho Arctic Ice trở thành công ty cung cấp băng sạch nhất trên Trái đất", công ty viết.
Băng đen - theo cách gọi của người Greenland - được khai thác ở các vùng vịnh hẹp và sau đó vận chuyển đến Dubai. (Ảnh: Arctic Ice).
Để tìm được loại băng chưa tiếp xúc với đáy sông băng, công ty này đầu tư một chiếc thuyền chuyên dụng gắn cần cẩu, có thể đi vào vịnh hẹp Nuup Kangerlua.
Loại băng mà Artic Ice tìm kiếm tinh khiết hơn băng thông thường và rất khó phát hiện trong nước vì nó hoàn toàn trong suốt. Đó là lý do người dân địa phương gọi đó là "băng đen".
Sau khi tìm được mảnh băng phù hợp, công ty này sẽ dùng cần cẩu đưa băng lên thuyền, đặt vào một thùng nhựa màu xanh cho đến khi đầy. Kết thúc buổi "săn băng", họ sẽ trở lại Nuuk để đưa các thùng băng vào các container đông lạnh.
Container chở đầy băng đen sẽ được hãng tàu Iceland Eimskip đưa đến Đan Mạch. Khi đến Đan Mạch, container lại được đưa lên một con tàu khác để chuyển đến Dubai.
Ở xứ nhà giàu, băng đen của Greenland được nhà phân phối địa phương Natural Ice bày bán rồi sau đó sẽ đến những quán bar sang trọng ở nước này.
Bị chỉ trích
Arctic Ice thành lập năm 2022 nhưng mới xuất xưởng 20 tấn băng đầu tiên trong thời gian gần đây. Hoạt động kinh doanh của công ty cũng vấp phải làn sóng chỉ trích trên các trang mạng.
Khi biết chuyện Arctic Ice bán băng từ các sông băng ở Bắc cực, một người chỉ trích công ty chỉ biết làm ăn mà không quan tâm đến những tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông Rasmussen còn nói ông nhận được những tin nhắn và bình luận tiêu cực hơn thế, cụ thể là tin nhắn đe dọa tính mạng.
Đứng trước làn sóng chỉ trích, phía Artic Ice thanh minh rằng việc bán băng của họ thân thiện với môi trường và mang lại giá trị cho xã hội. Lý do là các vịnh hẹp xung quanh Greenland có rất nhiều tảng băng trôi bị vỡ ra từ các dòng sông băng nối liền với dải băng Greenland.
Nói thêm về việc kinh doanh băng sạch, công ty Artic Ice cho biết hoạt động khai thác và xuất khẩu băng không để lại nhiều tác động xấu đến môi trường.
Công ty cũng cam kết trong thời gian tới, họ sẽ nỗ lực hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon nhằm giảm những tác động đến môi trường. Công tác này sẽ được thiết kế và tính toán cẩn thận thông qua việc thu giữ và lưu trữ carbon hoặc thông qua các công nghệ hút CO2 ra khỏi không khí.
"Giúp đỡ Greenland trong quá trình chuyển đổi xanh là điều mà tôi phải làm. Thực ra công ty tôi vẫn luôn làm điều đó, nhưng có thể do chúng tôi thể hiện chưa đủ tốt", ông Rasmussen nói.
Hiện, mục tiêu chính của Rasmussen và công ty là tạo ra nguồn doanh thu mới cho Greenland - quốc gia đang phục thuộc Đan Mạch khá nhiều về mặt tài chính. Ước tính trợ cấp hàng năm của nước này chiếm 55% ngân sách của Greenland.
Là người Greenland, Rasmussen tin rằng để được độc lập nhiều hơn về mặt kinh tế, việc tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Do đó, ông muốn phát triển công việc kinh doanh để giúp Greenland có thêm nguồn thu mới ngoài việc đánh cá và khai thác du lịch.