Giun sống được trong vũ trụ
Các nhà khoa học Anh tuyên bố họ đã đưa thành công 4.000 con giun vào vũ trụ: không chỉ khỏe mạnh trong sứ mệnh kéo dài 6 tháng, chúng còn sản sinh ra 24 thế hệ khi đang ở trên quỹ đạo.
Loài giun Caenorhabditis elegans có thể giúp cung cấp manh
mối để con người tồn tại trên sao Hỏa
Nhóm nghiên cứu - do TS Nathaniel Szewczyk thuộc ĐH Notthingham dẫn đầu, đã đưa 4.000 con giun Caenorhabditis elegans - loài giun rất giống con người về mặt sinh học, lên Trạm Không gian quốc tế (ISS) để kiểm tra khả năng sống sót của chúng trong môi trường không trọng lực.
Nghiên cứu này cũng nhằm tìm hiểu xem các phi hành gia bị ảnh hưởng ra sao nếu họ tham gia các sứ mệnh nghiên cứu kéo dài trên vũ trụ, chẳng hạn như sứ mệnh lên sao Hỏa kéo dài đến hai năm; cũng như giúp các nhà khoa học hiểu thêm về các chứng bệnh gây teo cơ như loạn dưỡng cơ (MD).
Daily Mail ngày 30/11 cho biết khi nghiên cứu số giun còn sống được đưa trở về Trái đất, nhóm Szewczyk phát hiện chúng có quá trình phát triển, tiêu thụ thức ăn và sinh sản bình thường. Điều này mở ra hi vọng con người có thể định cư được trên các hành tinh khác như sao Hỏa.
Vào năm 2009, nhóm của TS Nathaniel Szewczyk cũng đã đưa giun lên sao vũ trụ trong bốn ngày nhưng chúng đã bị đông cứng trước khi trở về.