Gỗ trong suốt sẽ được dùng để thay cho kính trong tương lai
Chế tạo gỗ trong suốt để thay thế kính, nhằm giúp cho cửa sổ ở các văn phòng hoặc tòa nhà cách nhiệt tốt hơn so với cửa kính thông thường không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, quy trình tạo ra chúng ngày càng được nâng cấp để mọi thứ diễn ra dễ dàng hơn.
Cụ thể, trước đây, để làm ra gỗ trong suốt, người ta thường ngâm gỗ vào các thùng Natri Clorit (NaClO2) - hợp chất thường được tìm thấy trong các chất tẩy trắng. Chất này có tác dụng loại bỏ 1 thành phần nằm trong cấu trúc của gỗ được gọi là lignin. Quy trình này có vài nhược điểm: tiêu tốn nhiều hóa chất, tạo ra nhiều chất thải lỏng khó tái chế và khiến cho gỗ bị yếu đi, không còn khỏe nữa.
Trong tương lai, gỗ trong suốt có thể thay thế kính.
Trước vấn đề này, Liangbing Hu tại Đại học Maryland và các cộng sự của ông đã đưa ra một phương pháp điều chỉnh lignin thay vì loại bỏ hoàn toàn. Quá trình này nhanh hơn và sử dụng ít vật liệu hơn so với quy trình loại bỏ lignin tiêu chuẩn, đồng thời giúp gỗ chắc hơn.
Ý tưởng này xuất phát từ một nghiên cứu gần đây, cho thấy chúng ta có thể làm lignin trở nên mất tác dụng bằng cách loại bỏ các thành phần tạo nên màu sắc cho chúng. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học quét lên gỗ một chất khử trùng gọi là hydrogen peroxide, sau đó cho đèn UV chiếu vào, mô phỏng ánh sáng tự nhiên mặt trời.
Sau khi ngâm gỗ trong etanol để loại bỏ phần cặn bẩn còn sót lại, họ lấp đầy các lỗ rỗng trên gỗ bằng epoxy trong suốt. Thành phầm cuối cùng đó chính là những miếng gỗ cho phép hơn 90% ánh sáng truyền qua, đồng thời cứng hơn gấp 50 lần so với gỗ trong suốt được tạo ra từ phương pháp truyền thống.