Hải mã tháo chạy vì băng tan ở cực bắc
Hàng nghìn con hải mã đột nhiên xuất hiện tại bờ biển phía tây bắc bang Alaska (Mỹ). Đây là dấu hiệu cho thấy môi trường ở Bắc Cực đang biến đổi mạnh bởi hiệu ứng nhà kính.
Chad Jay, một nhà nghiên cứu hải mã của Cơ quan Địa chất Mỹ, cho biết, khoảng 3.500 hải mã tập trung gần mũi Icy và trên biển Chukchi. Ngoài ra, chúng còn có mặt ở mũi Lisburne (cách bờ biển Chukchi khoảng 240 km).
Trong nhiều năm qua hải mã vào bờ vào mùa thu để di cư về phía nam, nhưng chưa bao giờ chúng di chuyển sớm và với số lượng lớn như năm nay. “Chúng từng vào bờ sớm vào năm 2007 do diện tích băng ở thềm lục địa giảm”, Jay phát biểu với AP.
Năm 2007, các nhà khoa học sửng sốt khi nhìn thấy khoảng 6.000 con hải mã trên bờ biển Alaska.
Những con hải mã bơi vào bờ biển Alaska vào ngày 9/9. (Ảnh: AP) |
Giới chức bang Alaska và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng sự hiện diện của quá nhiều hải mã trên một khu vực có thể dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau và thiếu thức ăn. Nếu băng ở Bắc Cực vẫn tiếp tục tan thì hiện tượng di cư sớm của chúng sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Khác với hải cẩu, hải mã không thể bơi liên tục. Chúng phải nghỉ ngơi thường xuyên trong cuộc di cư để kiếm ăn. Hải mã thường đứng trên các tảng băng để săn mồi ở những vùng nước nông gần thềm lục địa. Chúng có thể lặn sâu tới gần 200 m để bắt trai và một số loài động vật biển khác, song chúng thường kiếm ăn ở những vùng nước có độ sâu không quá 100 m. Khi băng ở thềm lục địa tan, chúng buộc phải kiếm mồi bên ngoài thềm lục địa - nơi độ sâu của nước có thể lên tới 3.000 m.
Trên đất liền, hải mã không thể lặn sâu để bắt mồi. Tình trạng đó có thể khiến chúng rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Trung tâm Đa dạng sinh học Mỹ muốn đưa hải mã Thái Bình Dương vào danh sách những động vật có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống thu hẹp.