Hàn Quốc sẽ tự phóng vệ tinh sau hai lần thất bại
Hàn Quốc hy vọng có thể phóng thành công một vệ tinh lên vũ trụ ngày 26/10 trong nỗ lực lần thứ ba gia nhập nhóm các cường quốc châu Á làm chủ công nghệ này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Sau hai lần phóng thất bại vào các năm 2009 và 2010, tên lửa đẩy 140 tấn Korea Space Launch Vehicle (KSLV-I) sẽ có chuyến xuất phát thứ ba tại trung tâm vũ trụ Naro, bờ biển phía nam Hàn Quốc.
Nếu thành công, đây sẽ là sự khích lệ lớn cho Hàn Quốc, đang rất quyết tâm gia nhập thế giới công nghệ cao và tốn kém khám phá vũ trụ cũng như bán các chương trình vệ tinh cho nước khác.
Những tham vọng không gian của Seoul bị hạn chế trong nhiều năm bởi đồng minh quân sự chính Mỹ, vốn lo sợ các chương trình tên lửa đẩy phục vụ không gian có thể gây ra một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực, nhất là từ phía CHDCND Triều Tiên.
Ngân sách nghiên cứu vũ trụ của Hàn Quốc năm 2012 là vào khoảng 200 triệu USD, theo Bộ khoa học nước này, chỉ là số lẻ so với hàng tỉ USD đã được đổ vào ngành này của các chính quyền Bắc Kinh, Tokyo và New Delhi.
Tên lửa đẩy mang theo vệ tinh chuẩn bị được đưa lên bệ phóng. (Nguồn: AFP)
Trong một tài liệu mới đây cho Hội đồng quan hệ đối ngoại, James Moltz, giáo sư tại Trường đào tạo sau đại học Hải quân Mỹ, nói Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải theo đuổi các chiến lược đón đầu đắt đỏ.
“Là một cường quốc cỡ nhỏ, Seoul phải đầu tư tỉ lệ nguồn lực lớn hơn vào các hoạt động vũ trụ nếu hy vọng muốn có một vị trí bền vững giữa các cường quốc châu Á lớn hơn và đã có kinh nghiệm nhiều năm, đi trước họ hàng thập kỷ”, Moltz nói.
Nhật Bản và Trung Quốc đều phóng những vệ tinh đầu tiên vào năm 1970 trong khi Ấn Độ đạt bước đột phá năm 1980.
Tuy nhiên, thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đang tụt lại phía sau.
Không lâu sau khi tham gia Chương trình công nghệ tên lửa năm 2001, Hàn Quốc đã hợp tác cùng Nga làm đối tác nghiên cứu quan hệ không gian, dù mối quan hệ không được suôn sẻ cho lắm. Sau hai lần thất bại trước, tên lửa KSLV-1 được sử dụng trong đợt phóng ngày 26/10 có phần bệ thứ nhất sản xuất tại Nga, kết hợp với phần thứ hai chạy bằng nhiên liệu rắn tự sản xuất ở Hàn Quốc.
Năm 2009, tên lửa vào được quỹ đạo nhưng không thể tách ra như dự tính để triển khai vệ tinh hoạt động. Nỗ lực thứ hai năm 2010 còn tệ hơn khi tên lửa phát nổ chỉ sau hai phút cất cánh và Nga lẫn Hàn Quốc chỉ trích lẫn nhau phần lỗi thuộc về bên kia.
Dù kết quả ngày 26/10 ra sao, Hàn Quốc khẳng định vẫn sẽ tiếp tục phát triển loại tên lửa ba tầng chạy bằng nhiên liệu lỏng có thể mang đầu đạn 1,5 tấn và nỗ lực đưa nó vào quỹ đạo từ giờ tới năm 2021.
“Dù cho lần phóng thứ ba có thành công hay không, dự án phát triển bệ phóng vệ tinh của Hàn Quốc vẫn sẽ được tăng tốc và có thêm động lực”, Bộ trưởng khoa học Lee Ju Ho nói với các nhà báo trong tuần này. “Sau đó, chúng tôi sẽ tích cực phát triển và mở rộng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu cho các đợt phóng thương mại để có thể nhận đơn đặt hàng từ nước ngoài sản xuất vệ tinh và phóng chúng bằng tên lửa do chúng tôi tự sản xuất”.
Chae Yeon Seok, một nhà khoa học ở Viện nghiên cứu không gian Hàn Quốc, nói Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự mình theo đuổi các công nghệ liên quan. “Chúng tôi phải tự phát triển các tên lửa không gian của riêng mình và thu thập thông tin vì không nước nào trên thế giới muốn chia sẻ những thông tin cốt yếu liên quan tới công nghệ vũ trụ”, Chae nói với AFP.
Trong khi chi phí có thể rất lớn, Chae nhấn mạnh rằng các nghiên cứu sẽ mang lại nhiều lợi ích công nghệ, cả cho thương mại và dân sự, cũng như củng cố vị trí của Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Triều Tiên sẽ không thể hài lòng nếu Hàn Quốc phóng vệ tinh thành công và Bình Nhưỡng từ lâu cáo buộc cộng đồng quốc tế hành xử hai tiêu chuẩn khi nước này cũng tìm cách phát triển công nghệ tên lửa mang hạt nhân. Triều Tiên từng tiến hành một vụ phóng thử thất bại hồi tháng 4. Nhiều nước cáo buộc đây là hoạt động thử tên lửa đạn đạo trá hình, nhưng Triều Tiên phủ nhận.
Tên lửa KSLV-1 sẽ mang một vệ tinh nhỏ, có khối lượng 100kg, Science and Technology Satellite-2C (Vệ tinh khoa học và công nghệ 2C, STSAT-2C) do Viện khoa học và công nghệ hiện đại Hàn Quốc phát triển. Vệ tinh này có tuổi thọ hoạt động một năm và mục tiêu chính là thu thập thông tin về phóng xạ vũ trụ.