Hành tinh nào mới là "Trái đất thứ 2"?
Dù được kỳ vọng là một hành tinh giống Trái đất nhất với khoảng cách cực gần nhưng HD 219134b vẫn không thể "soán" được ngôi vị "Trái đất phiên bản 2.0" của Kepler-452b.
- Khám phá những bí ẩn về "Trái Đất thứ hai"
- Tìm ra "Trái Đất thứ hai" chứa sự sống?
- NASA lại phát hiện hành tinh giống Trái đất hơn cả Kepler-452b
Kepler-452b hay HD 219134b giống Trái đất hơn?
Theo tin tức trên Sci-news, NASA đã phát hiện thêm một hành tinh mới rất giống với Trái đất nhờ kính viễn vọng không gian Spitzer, được đặt hiệu là HD 219134b với đặc điểm gây chú ý nhất đó là chỉ cách Trái đất có 21 năm ánh sáng.
HD 219134b là một hành tinh nằm trong ngôi sao có tên hiệu là HD 219134. Theo các nhà khoa học, ngôi sao HD 219134 (hay còn được gọi là HR 8832) là một ngôi sao lùn có độ lớn thứ 5 nằm trong chòm sao Thiên Hậu (Cassiopeia) và chỉ cách Trái đất chúng ta khoảng 21 năm ánh sáng.
Hệ ngôi sao HD 219134 có ba hành tinh được xem là "siêu trái đất" vì cả ba đều có trọng lượng và kích thước lớn hơn so với Trái đất.
Hình ảnh mô phỏng hành tinh HD 219134b
Trong đó "siêu trái đất" có tên gọi là HD 219134b nặng gấp khoảng 4.5 lần và to gấp 1.6 lần so với Trái đất, được xem là hành tinh giống với Trái đất nhất.
Các nhà thiên văn học dự đoán rằng các hành tinh này có thể có đá và một phần bề mặt nóng chảy với các hoạt động địa chất, bao gồm cả núi lửa. Ngoài ra các nhà khoa học còn cho biết, nếu tình cờ ba hành tinh này cùng thuộc một cấu hình đồng phẳng với nhau thì chúng có thể sẽ đi qua nhau.
Trước đó vào ngày 23/7, cả thế giới đã một phen rúng động khi NASA công bố thông tin về hành tinh được cho là giống với Trái đất nhất từ trước tới nay - với tên hiệu là Kepler-452b.
Hành tinh này còn được các nhà khoa học "ưu ái" đặt tên là Trái đất phiên bản 2.0 bởi vì hành tinh này hội tụ đủ mọi điều kiện để có thể tồn tại được sự sống như ở trên Trái đất như về nhiệt độ, cấu trúc bề mặt, trọng lực, ánh sáng, sự thay đổi mùa...
Tiến sĩ Daniel Brown, một chuyên gia thiên văn học tại Đại học Nottingham Trent, cho biết: "Hành tinh Kepler-452b nhận được cùng một loại quang phổ và cường độ ánh sáng như Trái đất của chúng ta nhận được từ mặt trời. Điều đó có nghĩa là các loài thực vật từ hành tinh của chúng ta có thể phát triển ở đây nếu có đất đá và không khí".
Hình ảnh mô phỏng hành tinh HD 219134b quay quanh ngôi sao mẹ.
Đã có rất nhiều người nghe tin về phiên bản thứ 2 này của Trái đất xong đã hy vọng có thể sớm đặt chân lên một lần trong đời.
Tuy nhiên trước thông tin rằng Kepler-452b cách Trái đất tới 1.400 năm ánh sáng và nếu đi với tốc độ gần 60.000 km/h thì phải mất tới 25,8 triệu năm mới đến nơi, họ đã phải sớm từ bỏ hy vọng này.
Cho tới khi phát hiện ra "siêu trái đất" HD 219134b cùng với thông tin chỉ hành tinh này chỉ cách Trái đất 21 năm ánh sáng, khao khát có thể sinh sống ở trên một hành tinh khác ngoài vũ trụ trong tương lai lại một lần nữa bùng lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo thông tin trên trang Independent, sau khi các nhà khoa học NASA công bố về hành tinh HD 219134b thì họ đã phải nhấn mạnh ngay rằng, nếu Kepler-452b được xem là "người anh sinh đôi" của Trái Đất thì hành tin này chỉ được gọi là một "người anh họ".
Các nhà thiên văn học cho biết, HD 219134b là một hành tinh đá, nghĩa là kiểu hành tinh giống Trái Đất nhưng bề mặt cứng có trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và kim loại.
Dù cũng rất có tiềm năng cho sự sống tồn tại nhưng HD 219134b quá gần với ngôi sao mẹ của nó, và chỉ mất có 3 ngày để hoàn thành một chu kỳ quay.
Hình ảnh chụp lại chòm sao Thiên hậu và hệ hành tinh HD 219134 (vùng khoanh tròn).
Dù sao mẹ của hành tinh HD 219134b nhỏ hơn, nhẹ hơn và lạnh hơn so với Mặt trời nhưng vì khoảng cách quá gần nên nhiệt độ mà nó hấp thụ sẽ rất lớn.
Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có nhiều kính viễn vọng khác có khả năng tham gia vào nghiên cứu về khả năng tồn tại sự sống ở hành tinh HD 219134b, nhất là khi hành tinh này có một lợi thế là ở rất gần với Trái đất.
Bằng các dữ liệu được cập nhật nhiều hơn, các nhà khoa học cũng hy vọng sẽ có thể phát hiện ra bầu khí quyển của HD 219134b nếu có.
Michael Werner, một nhà khoa học trong sứ mệnh Spitzer tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tuyên bố: “Hành tinh này sẽ là một trong những đối tượng được nghiên cứu nhiều nhất trong nhiều thập kỷ tới”. Việc nó ở rất gần chúng ta sẽ còn mang đến nhiều sự quan tâm hơn cả Kepler-452b và lọt vào danh sách thăm dò tiềm năng.
Vì vậy, dù không thể soán ngôi phiên bản Trái đất thứ 2 hay hành tinh "lý tưởng" để có thể sinh sống trong tương lai của Kepler-452b nhưng HD 219134b vẫn được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều phát hiện mới mẻ cho nhân loại, và nhất là con người hoàn toàn có thể quan sát được cả hệ hành tinh này bằng mắt thường qua kính viễn vọng từ Trái đất.