Hình ảnh mới nhất đầy màu sắc của Mộc tinh
Hình ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Juno vào tháng 7 cho thấy tính chất phức tạp của bầu khí quyển Mộc tinh.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chia sẻ ảnh Mộc tinh chụp ngày 5/7, được xử lý từ dữ liệu thu thập bởi thiết bị JunoCam trên tàu vũ trụ thăm dò Mộc tinh Juno. Hình ảnh đầy màu sắc thể hiện các chi tiết phức tạp trong bầu khí quyển của hành tinh này.
Theo Space, bức ảnh được chụp trong lần tiếp cận thứ 43 của Juno với Mộc tinh. Tại thời điểm chụp, tàu vũ trụ ở khoảng cách 5.300 km so với đỉnh đám mây khí khổng lồ của hành tinh, tốc độ bay 209.000km/h, vị trí khoảng 50 vĩ độ Bắc.
Ảnh Mộc tinh chụp bởi Juno với màu gần nguyên bản (trái) và được xử lý phần mềm (phải). (Ảnh: NASA).
Hình ảnh được xử lý bởi nhà khoa học độc lập Björn Jónsson tại Iceland. Sau khi tải dữ liệu thô từ Juno, ông đã tạo ra 2 bộ ảnh. Bức ảnh bên trái với màu sắc gần nguyên bản, cho thấy những gì con người sẽ quan sát nếu ở vị trí của Juno. Ảnh bên phải được tăng độ tương phản và bão hòa màu, thể hiện cấu trúc phức tạp trong khí quyển của Mộc tinh.
Từng mảng màu trong bức ảnh bên phải cho thấy sự khác biệt về thành phần hóa học tại những khu vực khác nhau của khí quyển, tiết lộ cấu trúc các cơn bão trong đám mây của Mộc tinh. Những đám mây nhỏ, nằm ở phần cao hơn của bầu khí quyển cũng được thể hiện trong ảnh.
Được phóng vào năm 2011, Juno khởi động hành trình khám phá Mộc tinh từ năm 2016. Kể từ đó, tàu vũ trụ đã tạo ra những hình ảnh ấn tượng về bầu khí quyển, những cơn bão và đám mây khí khổng lồ của Mộc tinh.
Tàu vũ trụ Juno được phóng vào năm 2011. (Ảnh: NASA).
Juno quay quanh hành tinh theo quỹ đạo elip, hoàn thành một vòng sau mỗi 43 ngày. Trong một số nhiệm vụ, Juno hạ độ cao để tiếp cận đám mây và bầu khí quyển Mộc tinh. Khoảng cách gần nhất mà Juno từng hạ xuống là 3.300km so với đám mây khí, giúp NASA tạo ra video stop-motion về quá trình tiếp cận Mộc tinh của Juno.
Ban đầu, NASA dự kiến cho Juno "nghỉ hưu" vào năm 2021, sau đó kéo dài thời gian hoạt động tàu vũ trụ đến ít nhất năm 2025. Hình ảnh chụp bởi JunoCam được chia sẻ công khai cho các nhà khoa học độc lập để xử lý và phân tích, có thể truy cập trên website của Viện Nghiên cứu Tây Nam, San Antonio.

Kính viễn vọng James Webb chuẩn bị dọ thám 2 "siêu Trái đất" kỳ lạ
Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ khám phá những thế giới mới ở một mức độ chi tiết chưa từng có trước đây.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Phát hiện tín hiệu từ tàu vũ trụ ở cách 23,3 tỷ km
Kính viễn vọng Allen Telescope Array ở California phát hiện tín hiệu từ tàu Voyager 1 đang bay tới rìa hệ Mặt Trời.

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.
