HIV lây lan khắp thế giới như thế nào?
Năm 1959, bệnh nhân đầu tiên nhiễm HIV được xác định. Gần 60 năm trôi qua, con người vẫn phải chấp nhận sống chung với "căn bệnh thế kỷ".
Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, bệnh nhân mắc HIV được tiên liệu sẽ chết sớm. Do đó, họ bỏ việc, rút tiền lương hưu và cố gắng tận hưởng nốt những ngày tháng cuối cùng. Nhiều thập kỷ sau, hàng nghìn người nhiễm HIV ở Anh, Mỹ và các quốc gia trên thế giới lại bước vào tuổi già mà họ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ nhìn thấy.
Nhiều người trong số đó sống sót nhờ sự phát hiện ra các loại thuốc kháng retrovirus (ARV) vào đầu những năm 90. Họ xem đó là một phép màu. Tuy nhiên, cuộc sống của họ khi về già lại đầy cay đắng. Phần lớn sống trong nghèo khổ và từ lâu đã không còn cơ hội tìm kiếm việc làm. Hơn nửa cuộc đời sử dụng những loại thuốc mạnh đặc trị cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài những vấn đề về thể chất do virus HIV gây ra, họ còn có tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến tâm thần cao.
Nhiều bệnh nhân mắc HIV đã sống sót nhờ sự trợ giúp của các loại thuốc. (Ảnh: Canada).
Giờ đây, bệnh nhân HIV không còn phải đối mặt với cái chết, nhưng nỗi cô đơn sẽ đeo bám họ suốt phần đời còn lại. Loại virus gây ra “căn bệnh thế kỷ” này không ngừng biến đổi và cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào tiêu diệt được chúng hoàn toàn.
HIV là gì?
HIV là viết tắt của “Human immunodeficiency virus”, một loại virus tấn công hệ miễn dịch, đặc biệt là tế bào bạch cầu CD4 hay tế bào T. Virus này truyền từ người sang người qua các dịch cơ thể như máu, tinh trùng, dịch âm đạo... Trong lịch sử, HIV chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm và từ mẹ sang con.
Theo thời gian, HIV phá hủy nhiều tế bào CD4 đến mức cơ thể không thể chống lại viêm nhiễm và bệnh tật, dẫn tới giai đoạn nặng nhất của bệnh: hội chứng suy giảm miễn dịch hay AIDS. Người mắc AIDS thường không có khả năng chống chọi với các loại bệnh và có thể tử vong vì bệnh viêm nhiễm thông thường như viêm phổi.
Điều khiến HIV đáng sợ là chúng có khả năng tiến hóa liên tục, khiến việc tìm ra vắc xin phòng chống loại virus này gần như là không thể.
HIV là một lentivirus (thuộc họ retrovirus) tấn công hệ miễn dịch của con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng HIV có họ hàng với SIV (Simian Immunodeficiency Virus) ảnh hưởng đến khỉ và linh trưởng. Giữa hai loại virus này có nhiều điểm tương đồng. Trong đó, HIV-1 có họ hàng gần với một loại SIV có ở tinh tinh, trong khi HIV-2 lại có liên hệ mật thiết với một dải SIV được tìm thấy ở khỉ sooty mangabey.
Năm 1999, các nhà khoa học đã tìm thấy một dải SIV ở tinh tinh gần như giống hệt HIV ở con người. Họ kết luận rằng tinh tinh là nguồn gốc của HIV-1, và tại một thời điểm nào đó, virus này đã lây từ tinh tinh sang người. Những con tinh tinh này săn và ăn thịt hai loại khỉ nhỏ hơn - các con mồi này lây hai dải SIV khác nhau cho chúng. Hai dải SIV này sau đó kết hợp lại tạo ra một loại virus thứ 3 (SIVcpz) có thể lây từ cá thể tinh tinh này sang cá thể tinh tinh khác. Đây cũng chính là dải virus ảnh hưởng đến con người.
Virus HIV trong máu người. (Ảnh: Avert).
Giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là SIVcpz lây sang con người khi họ giết và ăn thịt tinh tinh, hoặc nhiễm từ máu dính vào vết thương trong lúc săn bắt chúng. Thông thường, cơ thể con người có thể chống lại SIV. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus tự thích nghi trong cơ thể vật chủ mới là con người và trở thành HIV-1.
HIV có bốn nhóm chính (M,N,O và P) với sự khác biệt đôi chút về mặt di truyền. Trong đó, nhóm M là loại virus đã lan ra khắp thế giới và chiếm phần lớn các ca nhiễm HIV hiện nay.
HIV-2 xuất phát từ SIVsmm ở khỉ sooty mangabey monkey và nhiễm cho người theo con đường tương tự (qua việc săn bắt và ăn thịt khỉ). Tuy nhiên, loại virus này hiếm gặp hơn, ảnh hưởng đến ít người, chủ yếu ở một số quốc gia Tây Phi.
Từ ca bệnh đầu tiên đến con đường lây lan khắp thế giới
Ca nhiễm HIV đầu tiên được xác định vào năm 1959, từ mẫu máu của một người đàn ông ở vùng hiện tại là Kinshasa ở Cộng hòa Congo. Mẫu máu được phân tích và phát hiện ra virus HIV. Trước đó, nhiều trường hợp đã tử vong vì những bệnh bình thường cho thấy có thể HIV là nguyên nhân, nhưng đây là lần đầu tiên mẫu máu khẳng định bệnh nhân nhiễm loại virus này.
Từ đó, các nhà khoa học đã lập “cây phả hệ” cho thấy tuyến đường lây lan HIV trên thế giới và truy ra nơi phát sinh căn bệnh đáng sợ này. Nghiên cứu kết luận rằng những trường hợp đầu tiên trong đó SIV biến đổi thành HIV ở con người diễn ra trong khoảng năm 1920 ở Kinshasa, Congo. Đây cũng là khu vực có các dải HIV đa dạng về gen nhất thế giới, cho thấy những lần khác nhau SIV lây sang người. Nhiều ca bệnh AIDS đầu tiên cũng được ghi nhận ở đây.
Các khu vực quanh Kinshasa có nhiều đường giao thông, đồng thời cũng là nơi có hoạt động mại dâm diễn ra mạnh mẽ vào thời điểm đó. HIV lây lan dần theo con đường di cư và mại dâm. Đến 1937, loại virus đáng sợ này đã tới Brazzaville cách Kinshasa 120km về phía Tây.
Trong những năm 1960, HIV từ châu Phi đã sang Haiti và vùng Caribbean khi lượng người Haiti làm việc ở Congo vào thời điểm đó trở về quê hương. Từ Haiti, virus HIV đến Mỹ vào khoảng năm 1970 và lây lan ra các thành phố lớn. Đến những năm 1980, virus chết người này đã có mặt ở 5 châu lục trên thế giới.
Ban đầu, căn bệnh này chưa có tên chính thức. Đến tháng 9/1982, bệnh được đặt tên là AIDS. Năm 1983, các nhà nghiên cứu ở viện Pasteur (Pháp) mới tách và xác định được virus HIV. Với tên gọi ban đầu là Lymphadenopathy-Associated Virus (LAV), virus này được khẳng định là nguyên nhân gây bệnh AIDS. Các nhà khoa học ở Viện Ung thư quốc gia Mỹ cũng tìm ra cùng một loại virus và đặt tên là HTLV-III. Sau này, LAV và HTLV-III được công nhận là một, còn tên gọi hiện hành của virus này là HIV.
Những loại thuốc kết hợp duy trì sự sống cho người nhiễm HIV, nhưng có nhiều ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tinh thần của họ. (Ảnh: NPR).
Người nhiễm HIV có thể sống lâu như người thường?
Năm 1987, loại thuốc kháng retrovirus đầu tiên điều trị HIV có tên Azidothymidine (AZT) được đưa vào sử dụng. Đến nay, nhiều loại thuốc được dùng kết hợp trong các liệu pháp kháng retrovirus và trị liệu kháng retrovirus hoạt tính cao. Chúng hoạt động trên cơ chế ngăn cản virus HIV nhân lên, cho hệ miễn dịch cơ hội phục hồi và chống lại các viêm nhiễm và bệnh liên quan đến HIV. Các liệu pháp này giúp giảm nguy cơ truyền bệnh, trong đó có từ mẹ sang thai nhi.
Điều đáng ngạc nhiên là một số người có khả năng miễn dịch bẩm sinh với HIV, nhờ một đột biến trong gene CCR5. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tiêm tế bào gốc có chứa gene CCR5 đột biến cho chuột nhiễm HIV. Kết quả cho thấy các tế bào này có khả năng chống lại và tiêu diệt virus, đồng thời có thể nhân lên và tạo ra nguồn tế bào kháng HIV lâu dài. Quy trình này đang được tiến hành thử nghiệm trên người và mở ra hy vọng mới cho người nhiễm HIV.
Nhờ sự phát triển của y học, các bệnh nhân HIV hoàn toàn có thể duy trì sự sống trong hàng chục năm và tiếp tục mong chờ một ngày nào đó sẽ có phương pháp chữa khỏi căn bệnh này hoàn toàn.