Hóa thạch cực hiếm của loài vượn
Các nhà khảo cổ học cho biết đã khai quật hộp sọ một con vượn chưa trưởng thành có chừng 6 triệu năm tuổi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, qua đó có thể làm sáng tỏ thêm sự tiến hóa của con người.
Báo ChinaView dẫn lời nhà khoa học Ji Xueping, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết cũng đã phát hiện thêm hộp sọ thứ hai của con vượn chừng 5 triệu năm tuổi đã từng sống ở lục địa Á - Âu.
Theo ông Ji Xueping thì những hộp sọ này có ý nghĩa rất to lớn khi loài linh trưởng chuyển hóa thành người từ 5 - 7 triệu năm trước. ChinaView cũng dẫn lời Lu Qingwu (Viện Sinh học có xương sống và cổ nhân loại học) cho biết tại châu Phi đã từng phát hiện những hóa thạch linh trưởng cổ đại có niên đại cùng với phát hiện này, nhưng tại châu Á là rất hiếm.
Ảnh: Flickr
Bản báo cáo chi tiết được công bố trên tạp chí khoa học Bulletin, sau gần 4 năm Giáo sư Ji và các nghiên cứu sinh của ông tìm thấy hóa thạch trong một cái hố ở nhà máy gạch tại Shuitangba, thành phố Zhaotong. Qua khảo nghiệm các nhà khoa học xác định tuổi của con vượn này là 6,1 - 6,2 triệu năm vào cuối kỷ Miocen và được coi là con vượn trẻ nhất trong số các loài linh trưởng cổ đại được phát hiện tại Vân Nam. Hộp sọ còn được bảo quản khá tốt, các xương trên khuôn mặt còn khá đầy đủ.
Giáo sư Lu Qingwu cho biết các động vật linh trưởng mang một số đặc điểm chung với con người. Một ví dụ cụ thể là độ rộng của hốc mắt dài hơn chiều cao của mắt. Theo Giáo sư Ji thì đã tìm thấy quan hệ giữa loài vượn với sự kết nối tiến hóa thành người về thời gian và hình thái học. Tuy nhiên, vẫn phải tìm kiếm thêm các bằng chứng hóa thạch khác. Quan điểm của Giáo sư Lu thì trước đây người ta cho rằng loài người có nguồn gốc ở châu Phi. Nhưng những phát hiện gần đây lại cho rằng cái nôi của loài người ở châu Á. Tất nhiên, phải tìm thêm nhiều bằng chứng về khảo cổ học.
Tại khu vực phát hiện hộp sọ hóa thạch của vượn, vào năm 2007 cũng đã khai quật được ba bộ xương không còn lành lặn của các con voi ước chừng 6 triệu năm tuổi.