Hóa thạch ngư long 200 triệu năm còn nguyên phôi thai
Phôi thai của một con thằn lằn cá được phát hiện vẫn nằm trong tử cung suốt 200 triệu năm sau khi con mẹ chết và hóa thạch.
Khi nghiên cứu một bộ xương hóa thạch được trưng bày tại bảo tàng Lower Saxony ở Hanover, Đức, nhà nghiên cứu Dean Lomax ở Đại học Manchester, Anh phát hiện ra rằng đây là hóa thạch của một con thằn lằn cá lớn nhất từng được tìm thấy, IFL Science hôm 28/8 đưa tin.
Con thằn lằn cá (ichthyosaur) dài 3,5 mét này sống ở đại dương vào đầu kỷ Jura, lúc khủng long đang sinh sống trên cạn. Điều đặc biệt là con thằn lằn cá này đang mang thai khi bị chết cách đây 200 triệu năm.
Con thằn lằn cá chết khi đang mang thai cách đây 200 triệu năm. (Ảnh: Đại học Manchester).
Các nhà khoa học cho biết phôi thai trong bụng con vật có chiều dài chưa đến 7cm, bao gồm phần xương sống, vây trước, xương sườn và một số xương khác. Họ cũng tìm thấy bằng chứng chỉ ra phôi thai vẫn đang phát triển trong tử cung khi con mẹ chết.
Phát hiện giúp chứng minh thằn thằn lằn cá đẻ con non thay vì đẻ trứng như nhiều loài khủng long khác. "Mẫu vật này cung cấp hiểu biết mới về kích thước của loài vật, đồng thời là hóa thạch thằn lằn cá mang thai thứ ba được tìm thấy", Lomax cho biết.
Hóa thạch thằn lằn cá tên Ichthyosaurus somersetensis này được tìm thấy ở bờ biển Somerset vào thập niên 1990 và sau đó được chuyển đến bảo tàng Lower Saxony. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chiếc đuôi của mẫu vật này được thêm vào để bộ xương trông hoàn chỉnh hơn và hấp dẫn hơn khi trưng bày.
Thằn lằn cá hay "ngư long" trong tiếng Hy Lạp là nhóm bò sát biển tuyệt chủng cách đây khoảng 90 triệu năm. Thường bị nhầm là khủng long biết bơi, loài bò sát này đã xuất hiện từ trước khi những con khủng long đầu tiên tiến hóa. Thằn lằn cá xếp đầu chuỗi thức ăn trong nhiều triệu năm và phát triển thân hình thuôn dài giống cá để tăng tốc độ bơi. Các nhà khoa học tính toán thằn lằn cá có thể đạt tốc độ 36km/h. Loài thằn lằn cá lớn nhất dài tới trên 20m.