Hội chứng bàn chân vịt là gì?
Hội chứng bàn chân vịt có thể khiến người chạy bộ bị giảm hiệu suất, dễ gặp các chấn thương do ảnh hưởng đến dây chằng và khớp khi di chuyển.
Hội chứng bàn chân vịt là một dạng dị tật xoắn, thường xảy ra khi một trong hai xương dài nhất của chân là xương chày và xương đùi quay về phía bên ngoài, khiến bàn chân không hướng thẳng về phía trước và hướng ra ngoài so với cơ thể. Hội chứng này trái ngược với dạng dị tật xoắn phổ biến hơn được gọi là bàn chân chim bồ câu, tức bàn chân hướng vào trong.
Bàn chân vịt có thể xảy ra ở một hoặc cả hai chân. Ở nhiều trẻ nhỏ, tình trạng này thường xảy ra tạm thời và ngắn hạn khi tập đi nhưng với nhiều người có thể kéo dài đến tuổi thiếu niên hoặc đôi khi đến tuổi trưởng thành. Bàn chân bẹt cũng có thể gây ra hiện tượng bàn chân vịt.
Ở người lớn, có thể kiểm tra tình trạng bàn chân vịt bằng bằng cách đứng tự nhiên với hai chân cách nhau khoảng 30 cm. Nhìn xuống vị trí của các ngón chân, nếu chúng hướng ra ngoài thay vì hướng thẳng về phía trước, rất có thể bạn đang bị chân vịt. Hoặc có thể kiểm tra bằng cách nằm ngửa trên mặt phẳng, xem bàn chân có quay ra ngoài cùng với đầu gối không.
Hội chứng bàn chân vịt khiến bàn chân không hướng thẳng về phía trước và hướng ra ngoài so với cơ thể. (Ảnh: Run smart online)
Có một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng bàn chân hướng ra ngoài ở trẻ em bao gồm: tiền sử gia đình bị chân vịt, vị trí của thai nhi trong tử cung trước khi sinh, tư thế chân chân trong thời kỳ sơ sinh, bàn chân bẹt.
Ở người lớn, hội chứng bàn chân vịt có thể là kết quả của thương tích ở chân, hông, mắt cá chân hoặc bàn chân, căng cơ ở chân hoặc hông, sai tư thế hoặc lối sống ít vận động dẫn đến lệch khung chậu trước hoặc khung xương chậu hướng về phía trước. Lệch khung chậu trước làm cho cơ hông bị siết chặt, làm xoay xương đùi ra ngoài và có thể dẫn đến kiểu chân vịt.
Hội chứng bàn chân vịt có thể nhẹ và thường không gây đau hoặc khó chịu, cũng không thường cản trở khả năng đi lại, chạy hoặc vận động. Tuy nhiên, nếu tình trạng này nghiêm trọng và gây ra đau đớn, mất cân bằng thì cần thăm khám bác sĩ và điều trị.
Cơ thể của chúng ta được thiết kế xoay quanh hệ thống hỗ trợ cấu trúc đơn giản có tác dụng phân phối lực xung quanh các khớp. Khớp xương làm nhiệm vụ nâng đỡ và hỗ trợ chuyển động linh hoạt của con người. Tuy nhiên, việc hai bàn chân hướng ra ngoài gây ảnh hưởng đến hoạt động đó của khớp. Khi di chuyển, lực đẩy sẽ đi qua phần giữa bàn chân thay vì khớp mắt cá chân, sẽ tăng sức căng cho bàn chân và đầu gối.
Ở người có hội chứng bàn chân vịt, xương chày và xương đùi quay về phía bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc các dây chằng chéo trước và sau bên trong đầu gối sẽ bị kéo căng khi di chuyển. Nếu bị kéo căng liên tục, dây chằng có thể bị rách hay đứt hoàn toàn.
Do đó, người mắc hội chứng bàn chân vịt dễ bị căng xương chày (MTSS hoặc nẹp ống chân), viêm cân gan chân hoặc đau đầu gối giữa. Khi tình trạng bàn chân hướng ra ngoài trở nên nghiêm trọng mà không được kiểm soát, có thể gây ra các tình trạng khác như: teo cơ ở cẳng chân và mông, chấn thương đầu gối, chấn thương mắt cá, bàn chân bẹt, đau chân, tổn thương cơ piriformis (một cơ nhỏ nằm sâu trong mông), có thể dẫn đến đau thần kinh tọa.
Bên cạnh việc dễ bị chấn thương, hội chứng bàn chân vịt cũng gây giảm hiệu suất ở người chạy bộ, khiến họ chạy chậm hơn do bàn chân hướng ra ngoài làm mất lực đẩy cơ thể khi di chuyển.
Hội chứng bàn chân vịt thể nhẹ thường có thể được giải quyết bằng cách điều trị tại nhà. Trước hết, hãy chú ý hơn về cách đặt chân khi đi bộ hoặc đứng, cố gắng điều chỉnh bàn chân thẳng về phía trước.
Có thể sử dụng các miếng lót chỉnh hình có tác dụng hỗ trợ và nâng vòm bàn chân. Chúng sẽ giúp ổn định gót chân và cải thiện sự liên kết.
Các bài tập kéo căng gân kheo và hông cũng hữu ích với người mắc hội chứng bàn chân vịt dạng nhẹ.
Dưới đây là một số cách kéo giãn cơ dễ dàng mà bạn có thể thử tại nhà.
Chống tường: Đặt một giá để chân hoặc vài cuốn sách dày cách tường khoảng 60 cm. Đứng trên giá đỡ chân, nhưng để gót chân hạ xuống mép sau. Đứng sao cho vòm chân nằm trên giá đỡ nhưng gót chân thì không. Mở rộng 2 tay và chống vào tường để đỡ cơ thể. Nâng bàn chân lên xuống, lần lượt kéo căng bàn chân và bắp chân.
Bóng tennis: Ngồi trên sàn với 2 chân dang ra trước mặt. Đặt một quả bóng tennis dưới bắp chân và lăn qua lăn lại trong khoảng 2 phút. Tăng độ giãn cơ bằng cách gập bàn chân trong khi tiếp tục lăn bóng. Lặp lại với chân còn lại. Lặp lại vài lần một ngày.
Căng cơ Piriformis: Nằm ngửa và uốn cong đầu gối sao cho 2 bàn chân đặt trên sàn cách nhau một khoảng bằng hông. Bắt chéo chân này qua chân kia với mắt cá chân ép vào đùi ngay trên đầu gối. Nhẹ nhàng ép xuống bằng mắt cá chân và giữ trong 60 giây. Bạn sẽ cảm thấy căng nhẹ khắp đùi, hông và lưng dưới. Lặp lại ở phía bên kia.
Nếu mắc hội chứng bàn chân vịt và có cảm giác đau đớn, khó chịu hoặc lười vận động, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám. Chuyên gia y tế có thể xác định xem tình trạng của bạn là do căng cơ hay do xương chày hoặc xương đùi bị quay ra ngoài. Điều này có thể giúp xác định bài tập nào hiệu quả nhất.
Nếu phát hiện ra biến dạng xương hoặc gãy lồi cầu xương đùi, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật.
- Hình ảnh chưa từng thấy về con thuyền đắm chất đầy châu báu San Jose
- Top 8 loài vật biết sử dụng công cụ mà không ai ngờ tới
- Dù bị gọi là "cá mập", nhưng loài này lại có thân hình chuẩn nhất thế giới, không một cá thể nào thừa cân