ISS lần đầu tiên đón cùng lúc 4 nữ phi hành gia
Ngày 5/4, tàu con thoi Discovery của Mỹ đã được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. Đây là lần phóng tàu thứ 131 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và là chuyến tàu đầu tiên mang theo nhiều nữ phi hành gia nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, lần phóng tàu này đã xảy ra một trục trặc nhỏ khi các nhà du hành phát hiện ăngten Ku-Band dùng để truyền hình ảnh về Trái Đất và là bộ phận quan trọng của hệ thống rađa định vị điểm đỗ không làm việc khi tàu lên tới quỹ đạo.
Ngay sau đó, NASA đã thông báo khẳng định Discovery sẽ "cập bến," kết nối với ISS an toàn cũng như hoàn thành tất cả các mục tiêu trong sứ mệnh lần này mà không cần sử dụng tới ăngten Ku-Band.
Tàu Discovery có một ăngten khác dùng để truyền âm thanh và dữ liệu thông tin trên nhiều tần số và ISS cũng có riêng một hệ thống Ku-Band để chuyển hình ảnh về Trái Đất.
Trong phi hành đoàn 7 người của tàu Discovery có 3 phụ nữ. Ảnh: AFP.
Trong sứ mệnh kéo dài 13 ngày lần này, tàu Discovery đưa lên vũ trụ bảy nhà du hành, trong đó có ba nữ. Như vậy, cùng với một nữ phi hành gia đang làm việc tại ISS, lần đầu tiên vũ trụ được tiếp đón đồng thời bốn đại diện của phái yếu. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên có hai phi hành gia Nhật Bản cùng làm việc trên ISS.
Tàu Discovery mang theo gần 8 tấn hàng hóa, trong đó có giường ngủ dự phòng, một thùng lớn chứa chất lỏng làm nguội amôniắc và bảy thùng hàng chứa đầy các vật thí nghiệm khoa học.
Tàu còn mang theo một thiết bị làm lạnh để bảo quản các vật mẫu như máu, nước tiểu, vi khuẩn được sử dụng trong các thí nghiệm ở môi trường trọng lực siêu nhỏ nhằm có thể phân tích sâu hơn tại Trái Đất, và một máy tập thể dục để nghiên cứu tác động của môi trường phi trọng lực đối với hệ thống cơ xương của con người.
Dự kiến, các nhà du hành vũ trụ sẽ thực hiện ba chuyến đi bộ ra ngoài khoảng không, mỗi chuyến kéo dài 6 giờ rưỡi, để lắp đặt thùng chứa chất lỏng làm nguội amôniắc, thay thế một trong những con quay hồi chuyển của hệ thống lái của ISS và bảo dưỡng robot Dextre.
NASA có kế hoạch sẽ cho các tàu con thoi gồm Discovery, Atlantis và Endeavour "nghỉ hưu" vào tháng Chín năm nay sau khi thực hiện thêm ba sứ mệnh nữa. Khi chương trình tàu con thoi kết thúc, tàu "Liên hiệp" (Soyuz) của Nga sẽ đảm trách nhiệm vụ đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS cho tới khi Mỹ phóng tàu mới hiện đại hơn vào khoảng năm 2015.
Tròn 10 tuổi tính đến ngày 20/11/2008, ISS là một dự án vũ trụ quốc tế lớn nhất của thế kỷ XX và thế kỷ XXI, trị giá 100 tỷ USD với 16 nước tham gia. Trọng lượng hiện tại của ISS là hơn 300 tấn và sẽ đạt 377 tấn sau khi được hoàn thiện.
Lúc đầu các nhà khoa học dự tính thời gian hoạt động của ISS trên quỹ đạo là 15 năm.
Hiện các nước tham gia dự án đang vạch kế hoạch kéo dài "tuổi thọ" ISS đến năm 2020 và biến nó thành "cảng vũ trụ" để chuẩn bị cho các chuyến nghiên cứu-thám hiểm giữa các hành tinh./.