Kế hoạch "cao tốc hoa dại" giúp bảo vệ loài thụ phấn tại Anh
Theo DailyMail, những người yêu môi trường tại Anh đang lên kế hoạch cho một "cao tốc hoa dại" nhằm giúp cho các loài ong, bướm và động vật hoang dã khác có thể di chuyển khắp đất nước.
Dự án có tên gọi "B-lines" do tổ chức từ thiện Buglife thực hiện này sẽ thiết lập nên một mạng lưới những con đường có thể trồng hoa dại trên khắp đất nước.
Dự án này được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Anh cùng hàng trăm chuyên gia và đối tác, nhằm xác định đâu sẽ là môi trường sống mới đem lại lợi ích tốt nhất cho các loài thụ phấn.
Nhiều chuyên gia cảnh báo các loài thụ phấn như ong, bướm, ruồi, côn trùng hiện đang đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng do sự biến mất của những cánh đồng cỏ mọc đầy hoa dại.
Những người thực hiện dự án "B-lines" đã làm việc với những người có trách nhiệm ở các địa phương để xác định vị trí của những cánh đồng hoa dại, đồng thời vạch ra những tuyến đường hợp lý nhất để liên kết chúng, giúp ong bướm và các loài thụ phấn khác có thể di chuyển.
Dự án này cũng khuyến khích người dân tham gia hỗ trợ hoạt động thụ phấn của côn trùng bằng những hành động đơn giản.
Tổ chức Buglife đang kêu gọi các cộng đồng, doanh nghiệp, nông dân cũng như những người làm vườn giúp đỡ họ trồng hoa dại tại những khu vực, tuyến đường mà B-lines đã vach ra.
Ban đầu, B-lines sẽ có chức năng giống như một "đường cao tốc" cho các loài thụ phấn, trong điều kiện hoa dại sẽ phủ kín 10% các khu vực được vạch ra trong sơ đồ trước đó.
Bên cạnh đó, dự án này cũng khuyến khích người dân tham gia hỗ trợ hoạt động thụ phấn của côn trùng bằng những hành động đơn giản. Đó là trồng nhiều hoa, cây bụi, cây, để cây cối trong vườn phát triển tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến các tổ của côn trùng và suy nghĩ thật kỹ trước khi sử dụng thuốc trừ sâu.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tự nhiên (Nature) của Anh ngày 22/4/2015, giống như chất nicotine gây nghiện cho người, các loại thuốc trừ sâu dường như cũng có khả năng "gây nghiện" đối với loài ong. Loài côn trùng có cánh thường kiếm tìm nguồn thức ăn nhiễm thuốc trừ sâu, thậm chí có hại cho chúng.
Qua theo dõi hành vi của hàng trăm con ong nghệ và hàng nghìn con ong mật, các nhà khoa học thuộc Đại học Newcastle (Anh) nhận thấy không những loài ong không né tránh các thực phẩm ngấm chất neonicotinoid trong thuốc trừ sâu, mà chúng còn tỏ ra khá thích thú với chất gây nghiện này.
Hơn nữa, chúng còn thích ăn cả những thực phẩm có nhiễm thuốc trừ sâu có chứa chất neonicotinoid. Chất này được tổng hợp trong phòng thí nghiệm dựa trên cấu trúc hóa học của nicotine và thường được sử dụng rộng rãi để bảo quản hạt giống khỏi sâu bệnh có hại, cũng như có chứa chất kích thích để các loại hạt này phát triển, cho mùa màng bội thu.
Trước đó, ngày 27/4/2018, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh cấm gần như hoàn toàn việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, vốn được cho là mối đe dọa đối với sự sinh tồn của loài ong.
28 quốc gia thành viên EU đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cấm sử dụng thuốc trừ sâu chứa chất neonicotinoid ngoài trời, đồng nghĩa thuốc trừ sâu hiện chỉ có thể sử dụng trong nhà kính kín để các chất độc hại không thoát ra môi trường.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại trụ sở EC ở Brussels (Bỉ), nhiều nhà hoạt động vì môi trường, trong trang phục màu đen và vàng, đã tổ chức tuần hành kêu gọi các nước EU bảo vệ loài ong. Trong khi đó, các tập đoàn hóa chất phản đối quyết định trên, cho rằng sẽ gây thiệt hại cho các nông dân EU.
Ong giúp thụ phấn 90% các loài cây trồng quan trọng trên thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây loài này đang chết dần do hiện tượng rối loạn sụt giảm bầy đàn (CCD), một thảm họa bí ẩn một phần do thuốc trừ sâu gây ra.
Các loại thuốc trừ sâu như clothianidin, imidacloprid và thiamethoxam dựa trên cấu trúc hóa học của nicotine và tấn công hệ thần kinh của của các loại côn trùng sâu bọ.
Các nghiên cứu trong quá khứ phát hiện ra rằng các chất neonicotinoid có thể làm loài ong mất phương hướng và không thể tìm thấy đường về tổ, cũng như giảm sức đề kháng của chúng đối với bệnh tật.
Hồi năm 2013, EU cũng đã thông qua lệnh cấm một phần việc sử dụng thuốc trừ sâu.