Kết nối não người giúp chia sẻ suy nghĩ đã trở thành công nghệ có thật rồi!
Gọi đơn giản hơn, đó là khả năng chia sẻ suy nghĩ. Trên thực tế, khả năng lưu trữ và chia sẻ ý nghĩ trực tiếp cũng được các nhà làm phim khai thác khá nhiều - chủ yếu là trong phim ảnh viễn tưởng. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến việc kỹ năng này xuất hiện ở ngoài đời thực chưa?
Vậy mà có rồi đó. Mới đây, các chuyên gia thần kinh học từ ĐH Washington và ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) đã kết nối thành công não của 3 người, cho phép họ chia sẻ ý nghĩ cùng nhau. Dù chỉ là trong một trò chơi mô phỏng lại game xếp hình (Tetris), nhưng các chuyên gia tin rằng khi thực hiện với quy mô lớn, chúng ta có thể tạo ra một mạng lưới cùng chia sẻ suy nghĩ giữa người với người.
BrainNet sau này có thể kết nối nhiều bộ não hơn, thậm chí là qua môi trường internet.
Hệ thống mang tên BrainNet, hoạt động bằng cách kết hợp điện não đồ (electroencephalogram - EEG) để ghi lại hoạt động của não, và kích thích điện từ qua xương sọ (TMS) nhằm tác động đến hệ thần kinh. Theo kỳ vọng, BrainNet sau này có thể kết nối nhiều bộ não hơn, thậm chí là qua môi trường internet.
Nhưng không chỉ vậy, nhóm BrainNet còn cho rằng công nghệ này có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về não người, ở cấp độ sâu hơn.
"Xin được giới thiệu BrainNet, mà theo chúng tôi được biết là hệ thống đầu tiên có thể kết nối suy nghĩ của nhiều người mà không cần xâm lấn để giải quyết các vấn đề đòi hỏi sự hợp tác" - trích trong báo cáo của nhóm nghiên cứu.
"3 người - 3 bộ não tách biệt có thể kết hợp và giải đố thông qua công nghệ kết nối và giao tiếp não bộ".
Cụ thể trong thí nghiệm, 2 người - gọi là "người gửi" - kết nối với các điện cực EEG, rồi được yêu cầu chơi game xếp hình. Họ sẽ phải quyết định các khối trên màn hình nên được xoay hay không.
Các chuyên gia tin tưởng rằng đây chính là công nghệ của tương lai.
Để gửi tín hiệu, cả 2 được yêu cầu nhìn vào một trong hai chiếc đèn LED nằm ở 2 đầu màn hình. Đèn nháy sáng với 2 tần số khác nhau: 15 Hz và 17 Hz. Tần số khác tức là tín hiệu gửi đến não bộ cũng khác, và EEG có thể phân biệt được.
Người còn lại là "người nhận". Người này sẽ nhận tín hiệu thông qua các nút TMS với khả năng tiếp nhận tín hiệu do hai người kia chuyển đến. Người nhận sẽ không được nhìn màn hình, nhưng sẽ biết là nên xoay các khối hay không thông qua 2 tín hiệu nhận được.
Thí nghiệm được thực hiện trên 5 nhóm 3 người, và tỉ lệ chính xác lên tới 81,25% ngay trong lần thử đầu tiên - một tỷ lệ rất cao.
Để tăng tính phức tạp, "người gửi" có thể truyền thêm các thông tin phản hồi xem "người nhận" đã làm đúng hay chưa. Kết quả, người nhận thậm chí có thể phân biệt được tín hiệu được gửi tới từ người nào, và ai là người đưa ra những quyết định đúng hơn.
Hệ thống hiện tại mới chỉ chuyển được 1 bit thông tin mỗi lần, nhưng các chuyên gia tin tưởng rằng đây chính là công nghệ của tương lai. Trên thực tế, công nghệ kết nối não bộ đã từng được một nhóm khoa học gia thực hiện thành công trước đó, nhưng chỉ là trên 2 bộ não thôi.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi mở ra một tương lai cho phép con người kết nối và chia sẻ suy nghĩ cùng nhau, thậm chí tạo ra một mạng xã hội kết nối não người" - trích trong báo cáo nghiên cứu.