Khả năng va trúng người của trạm vũ trụ Trung Quốc đang rơi
Dựa vào những tính toán chi tiết, các nhà khoa học cho rằng nguy cơ trạm Thiên Cung 1 rơi xuống gây thương tích cho con người rất nhỏ.
Dù không thể xác định chính xác địa điểm trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc rơi xuống, nhưng theo các chuyên gia hàng không vũ trụ, tỷ lệ trạm này gây thương tích cho con người rất nhỏ, theo Wired.
Trạm Thiên Cung 1 trên quỹ đạo Trái Đất. (Ảnh: Zee News).
Thiên Cung 1 là trạm vũ trụ được Trung Quốc phóng lên không gian năm 2011 và kết thúc nhiệm vụ tháng 3/2016. Trạm vũ trụ này đang trôi mất kiểm soát và có thể đâm xuống khí quyển, rơi trở lại Trái Đất trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) rút gọn danh sách những địa điểm trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc có thể đâm xuống khi rơi trở lại Trái Đất, trong đó có một số quốc gia ở châu lục này, theo RT.
Phần lớn tàu vũ trụ sẽ bốc cháy giữa khí quyển khi rơi trở lại Trái Đất, nhưng những vật có kích thước đủ lớn, nặng khoảng 100kg trở lên, có thể vượt qua khí quyển và rơi xuống. Trạm Thiên Cung 1 dài 10,3 mét và nặng 8,5 tấn.
Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất. (Video: Next).
Tuy nhiên, các nhà khoa học không quá lo lắng về nguy cơ trạm vũ trụ này gây thương tích cho con người nhờ quá trình phân tích tỷ lệ rủi ro của những vật thể rơi trở lại Trái Đất.
Tàu vũ trụ đâm xuống Trái Đất hiếm khi còn nguyên vẹn. Sức nóng dữ dội và những tác động khi lao xuống khí quyển sẽ phá hủy hầu hết những vật thể nhỏ. Các bộ phận của tàu vũ trụ lớn hơn vẫn có thể vượt qua, tùy thuộc vào chất liệu và vị trí của chúng trong con tàu.
"Hãy coi bản thân con tàu là vật chứa chủ. Vỏ tàu phải bị phá hủy trước khi các bộ phận bên trong lộ ra, tiếp xúc với sức nóng, và có thể còn những thiết bị nhỏ nữa trong những bộ phận này", Michael Weaver, kỹ sư hàng không vũ trụ tại tập đoàn Aerospace Corporation, cho biết.
Hiệu ứng "búp bê Nga" này có thể quyết định bộ phận nào vượt qua khí quyển và bộ phận nào bị phá hủy. Với bản thiết kế đủ chi tiết, các nhà nghiên cứu có thể dùng phần mềm để ước tính sự phân hủy của tàu vũ trụ trong khí quyển.
Thiên Cung 1 trước khi phóng lên vũ trụ. (Ảnh: Wired).
Những bộ phận làm từ vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao sẽ chịu được lâu hơn, ví dụ như hợp kim titanium, các bộ phận quang học như kính, các bình chứa nhiên liệu, oxy, bể nước, thường được phủ bằng những chất liệu chịu nhiệt.
Ngoài ra, không phải vật thể nào vượt qua khí quyển cũng có thể gây hại. "Một chiếc chăn cách nhiệt có thể vượt qua khí quyển và rơi xuống, nhưng sẽ không gây hại cho con người", Marlon Sorge, kỹ sư dự án cấp cao tại Aerospace Corporation cho biết.
Những mảnh vỡ phải đủ lớn và rơi đủ nhanh mới được coi là nguy hiểm, tạo ra năng lượng tối thiểu 15 Jun khi va chạm với vật thể khác. "Chừng đó tương tự với việc thả một quả bóng bowling từ độ cao khoảng 30cm", Sorge cho biết.
Với bất cứ mảnh vỡ nào đủ lớn để gây nguy hiểm, các nhà khoa học sẽ xác định một vùng tiếp đất, nghĩa là diện tích địa lý mà mảnh vỡ có thể rơi trúng. Với những trường hợp tàu quay trở lại Trái Đất có kiểm soát, các chuyên gia dưới mặt đất sẽ chỉ dẫn cho con tàu hạ cánh.
Diện tích vùng tiếp đất khi đó nhỏ và cách rất xa nơi dân cư sinh sống. Một trong những điểm tiếp đất nổi tiếng là Cực bất khả tiếp cận trên đại dương, thuộc Nam Thái Bình Dương và là nơi cách xa đất liền nhất trên Trái Đất.
Cực bất khả tiếp cận trên đại dương. (Video: Next).
Thiên Cung 1 sẽ rơi mất kiểm soát khiến các nhà khoa học không thể tính toán chính xác điểm tiếp đất. Tuy nhiên, xác suất nó rơi trúng con người, gây thương tích rất nhỏ.
Trước hết là vì nước chiếm gần ¾ bề mặt Trái Đất, nghĩa là khoảng 75% số mảnh vỡ sẽ rơi xuống biển. Trên đất liền, con người cũng phân bố rải rác và không đều. Để phân tích rủi ro do mảnh vỡ rơi xuống, các nhà nghiên cứu sử dụng những tập dữ liệu ước tính số lượng và mật độ dân số qua một hệ thống chia ô theo kinh độ vĩ độ.
Hệ thống chia ô này giúp các nhà nghiên cứu tính toán khả năng các vật thể rơi trở lại Trái Đất sẽ đáp xuống vĩ độ nào, cũng như số lượng người có nguy cơ bị rơi trúng. Theo đó, mật độ dân số trung bình bên dưới quỹ đạo chuyển động của Thiên Cung 1 chỉ chưa đến 25 người/km2.
Ngoài ra, mảnh vỡ rơi xuống có thể không đủ mạnh để gây thương tích, hoặc chỉ rơi xuống trúng những người đang ngồi trong xe hay các tòa nhà kiên cố. Đó là lý do tại sao các chuyên gia không quá lo ngại về khả năng trạm vũ trụ Thiên Cung 1 gây nguy hiểm đáng kể khi rơi xuống Trái Đất.
- Trạm vũ trụ 8,5 tấn đi lạc sẽ tạo "mưa lửa" ở châu Âu?
- Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc sắp lao xuống Trái Đất