Khám phá khu vực "đen tối" rộng nhất thế giới ở Mỹ
Một khu vực rộng hơn 1 triệu ha tại Mỹ vừa được công nhận là nơi tối nhất để ngắm bầu trời đêm, với hy vọng diện tích này sẽ mở rộng thêm hơn 4 lần.
Với bầu trời trong và cây cối thưa thớt, một vùng hẻo lánh tại bang Oregon ở Mỹ từ lâu đã được coi là thiên đường của những người thích ngắm sao.
Giờ đây, theo tờ The Guardian, khu vực này vừa được công nhận là nơi có bầu trời tối với diện tích lớn nhất thế giới, mang đến tầm nhìn nguyên sơ về bầu trời đêm.
Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Summer Lake ở phía nam bang Oregon (Mỹ). (Ảnh: TRAVEL OREGON).
Khu vực hẻo lánh ở Oregon vừa nhận được chứng nhận trong tuần này, trở thành một trong 19 địa điểm trên khắp thế giới được chứng nhận bởi tổ chức DarkSky International (trụ sở tại Mỹ).
Khu vực này nằm tại hạt Lake ở phía đông nam Oregon, một khu vực hẻo lánh có diện tích gần bằng một nửa bang New Jersey và còn có thể mở rộng thêm diện tích được công nhận.
Theo thông cáo của DarkSky International, bầu trời đêm tại đây tối đen ở mức hàng đầu thế giới và việc chứng nhận giúp đảm bảo rằng khu vực này được bảo vệ.
"Khi dân số Oregon và xu hướng ô nhiễm ánh sáng tiếp tục gia tăng, quy mô và chất lượng vô song của bầu trời tối ở vùng hẻo lánh sẽ trở thành nơi ẩn náu đầy sao cho con người cũng như động vật hoang dã về lâu dài", theo ông Dawn Nilson, nhà tư vấn môi trường đã biên soạn đơn đề nghị công nhận.
Vùng sa mạc này còn là một trong những địa điểm cư trú lâu đời nhất của con người được biết đến ở Bắc Mỹ và là một phần của đường bay quan trọng cho các loài chim di cư, cũng môi trường sống quan trọng của cừu sừng lớn và gà gô ngải thảo.
Theo Cơ quan Du lịch nam Oregon, bầu trời ở đây thường được mô tả là "đen như mực hoặc đen như nhung", nhờ tình trạng biệt lập, cũng như việc thiếu các tòa nhà và đường dây điện.
Các quan chức du lịch hy vọng rằng việc chỉ định này sẽ giúp thúc đẩy du lịch trong khu vực theo cách mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, họ cảnh báo du khách cần chuẩn bị kỹ vì khu vực này rất hẻo lánh.