Khẩn cấp đối phó với bão Haitang
Từ trưa 26/9, miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng của mưa bão. Trong khi đó, lũ đồng bằng sông Cửu Long đã vượt báo động 3 và còn lên. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó.
Chiều 25/9, tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng trên 400km về phía đông, mạnh cấp 8. Bão đi giữa Tây và Tây Tây Bắc, tốc độ 10 km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 26/9, tâm bão cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 200km, mạnh thêm một cấp.
Hiện, bắc và giữa biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-9, giật cấp 10-11. Từ ngày mai, ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 9. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và bắc Tây Nguyên từ ngày mai có mưa to, có nơi mưa rất to.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của cơn bão. (Ảnh: NCHMF)
Chiều 25/9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đã có cuộc họp khẩn. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khả năng ngày 27/9 bão đổ bộ vào bờ biển Bắc Trung Bộ (từ Nghệ An đến Quảng Trị) và vùng gió nguy hiểm trải rộng từ Thanh Hóa tới Quảng Nam. Trước đó đêm 26 rạng sáng 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực này.
Cũng theo ông Tăng, đêm nay mưa ở miền Trung giảm do cơn bão hút hết mây song từ ngày mai mưa to dần. Mưa sẽ dồn dập trong 24 giờ từ trưa 26 tới trưa 27/9, trước khi bão đổ bộ. Sau khi bão vào bờ, mưa sẽ giảm nhanh. Lượng mưa dự báo trong khoảng 100-300mm, một số điểm cục bộ có thể lên tới 500mm.
Giám đốc Trung tâm khí tượng cho biết thêm, hiện ngoài khơi Philippines xuất hiện cơn bão Nesat rất mạnh, có thể đạt cấp 13-14 trong những ngày tới. “Hiện chưa có dự báo chính xác về diễn biến sắp tới của cơn bão này, song nếu ảnh hưởng tới Việt Nam thì cũng phải tới 30/9 hoặc 1/10”, ông Tăng nói.
Do ảnh hưởng của mưa bão, lũ các sông từ Nghệ An tới Thừa Thiên - Huế từ chiều 26/9 sẽ lên lại. Tuy nhiên, khu vực đáng lo nhất hiện nay lại là đồng bằng sông Cửu Long khi nước lũ lên nhanh với tốc độ 15cm mỗi ngày. Hiện lũ ở Tân Châu đã lên trên báo động 3, Châu Đốc xấp xỉ báo động 3… Dự kiến, tới ngày cuối tháng 9, đỉnh lũ đạt 4,8-4,9m khi lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường.
“Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay chỉ thua những năm lũ cực lớn như 1961, 1964, 2000. Lũ đến sớm, thời gian kéo dài tới tháng 10-11 và đứng ở mức cao”, ông Tăng nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đáng lo ngại nhất hiện nay là bão Haitang quét dọc ven biển miền Trung. Vì thế, công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú cực kỳ cấp thiết. Hiện vẫn còn 36 tàu cùng hơn 300 lao động kẹt ở Hoàng Sa. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương trong hôm nay, ngày mai phải gặt hết lúa, thà “xanh nhà hơn già đồng”.
Riêng với đồng bằng sông Cửu Long, ông Phát khẳng định, lũ đang lên và còn lên cao. “Trong 15 ngày tới là thời gian lũ căng thẳng nhất trong năm. Tôi yêu cầu sơ tán dân khỏi các vùng sạt lở, khẩn trương gia cố bờ bao đồng thời tập trung lực lượng cứu lúa”, ông nói.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thời gian ứng phó không còn nhiều, chỉ còn đến chiều (26/9). Trước tình huống hai cơn bão xuất hiện song song, ông Hải lưu ý công tác dự báo vì sự tương tác sẽ khiến đường đi của bão trở nên phức tạp. Nhiệm vụ số một lúc này là phải lo cho tàu thuyền trên biển, ngoài 36 tàu ở Hoàng Sa, 92 tàu Trường Sa còn hơn 26.000 tàu thuyền ven bờ.
Cũng theo Phó thủ tướng, cần xác định vùng nguy hiểm gió bão mạnh cấp 7-8 từ Nghệ An cho tới Khánh Hòa. “Kinh nghiệm cho thấy ta chống bão tốt nhưng mưa lũ khiến nhiều người thiệt mạng. Cần tăng cường chống lũ, đề phòng tai nạn trong mưa bão”, ông Hải chỉ đạo.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương bố trí ứng trực nghiêm túc, tăng cường an toàn hồ, đập. Riêng đồng bằng sông Cửu Long cần khẩn trương xử lý, bảo vệ bờ bao và thu hoạch lúa sớm, tránh để mất lúa.