Khi nào vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày?
Tỷ lệ người mắc vi khuẩn HP hiện nay là khá cao. Nhiều người khi xét nghiệm có kết quả dương tính với vi khuẩn HP thường nghĩ đến nguy cơ ung thư. Thực hư của vấn đề này như thế nào? Khi nào thì vi khuẩn HP gây ra ung thư cho người?
Cần lưu ý rằng vi khuẩn HP rất dễ lây lan. Ngoài môi trường niêm mạc dạ dày, nó còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Chính vì vậy, vi khuẩn HP chủ yếu lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung...
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan.
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP do thói quen móm cơm, cháo cho trẻ của các bà mẹ.
Vi khuẩn HP cũng tồn tại trong phân người nên có thể lây qua tay do sau khi đi vệ sinh không rửa sạch hoặc thông qua các con vật trung gian như chuột, gián…
Ngoài ra, vi khuẩn HP ở dạ dày có thể lây nhiễm trong quá trình thực hiện thao tác nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế do dụng cụ xét nghiệm không được vệ sinh sạch sẽ.
Nhiều người quan niệm cứ có vi khuẩn HP trong dạ dày là có hại. Thực sự có phải như vậy không? Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học cho thấy trong một số trường hợp thì vi khuẩn HP không có hại. Nếu không gây ra triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói... thì sự có mặt của vi khuẩn HP giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có một số tác dụng đối tốt đối với cơ thể.
Ví dụ, người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột do HP tiết ra các chất ngăn chặn vi khuẩn khác phát triển. Ngoài ra, các triệu chứng trào ngược hay những bệnh lý về dị ứng như với phấn hoa, bụi phấn… cũng sẽ giảm nếu có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày.
Một số con đường lây lan vi khuẩn HP từ người này sang người khác.
Nhưng một số người cứ lo lắng cứ có vi khuẩn HP trong dạ dày là sẽ dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày.
Theo nghiên cứu của bệnh viện K – bệnh viện đầu ngành về ung thư hiện nay ở Việt Nam – thì có 200 loại HP khác nhau, chỉ một số loại mang gene CagA có độc lực cao, tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gene CagA hay không. Trên thực tế, có đến 80% người trên 50 tuổi có mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng phát triển ung thư. Vì vậy, các chuyên gia khuyên người dân không nên quá lo lắng mà nên đến các trung tâm y tế uy tín để xét nghiệm để biết mình có nhiễm vi khuẩn HP không và thuộc chủng nào để có biện pháp xử lí cho thích hợp.
Chỉ khi vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói...) thì việc điều trị mới có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm nguy cơ gây hại mà nó gây ra. Việc điều này là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày. Do đó, nên phát hiện, điều trị sớm tình trạng nhiễm khuẩn HP.
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là 50%; không điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì sẽ khó chữa khi tái phát bệnh. Lưu ý rằng việc không tuân thủ phát đồ điều trị có thể dẫn đến việc vi khuẩn HP kháng nhiều loại kháng sinh, dẫn đến việc điều trị về sau khó khăn và mất thời gian hơn (ở Việt Nam, nhiều người có tâm lý uống thuốc cho đỡ bệnh nhưng không đi tái khám nên rất dễ dẫn đến hiện tượng này).
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng khuyến cáo, vi khuẩn HP sẽ chết trong môi trường axit và sẽ phát triển mạnh trong môi trường kiềm hóa cao. Chính vì vậy, những người mắc vi khuẩn này nên hạn chế ăn đồ chua, cay, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá... Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người không nên tự ý mua kháng sinh diệt HP.