Khoa học chứng minh câu nói "to đầu mà dại" là không chính xác
Câu nói "to đầu mà dại" trong tục ngữ Việt Nam ám chỉ những người đã trưởng thành, đầu óc phát triển hết nhưng vẫn có những suy nghĩ và quyết định mông muội, kém thông minh.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, các khoa học gia đã chứng minh rằng đầu to - hay cụ thể là kích cỡ của não bộ lớn - không khiến con người ta thông minh hơn. Thay vào đó, cấu trúc của não bộ mới là yếu tố quyết định điều này.
Dù có một bộ não to cỡ cái hũ bên trái, bạn cũng chưa thể thông minh được như Einstein.
Trong quá khứ, từ năm 1836, nhà giải phẫu học người Đức Friedrich Tiedemann đã viết trên tạp chí Kỷ yếu triết học (Philosophical Transaction - tạp chí của hội hoàng gia Anh) rằng: "Chắc chắn có sự liên quan giữa kích cỡ của não bộ và trí thông minh". Kể từ đó, các chuyên gia đã luôn tìm cách kiểm tra xem quan điểm của Tiedemann là đúng hay sai.
Và đến nay với công nghệ chụp cộng hưởng từ, các khoa học gia thuộc ĐH Vienna (Áo) đã có thể xác minh khu vực vận hành của não bộ một cách hiệu quả và rõ ràng nhất.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI).
Cụ thể, trong nghiên cứu mới đây, các nghiên cứu viên đã thực hiện thí nghiệm trên 8.000 ứng viên nhằm xác minh việc kích cỡ của não bộ và chỉ số thông minh (IQ).
Kết quả cho thấy chỉ có một sự liên kết không đáng kể giữa kích cỡ não bộ và IQ, bất kể tuổi và giới tính của ứng viên.
Tiến sĩ Jakob Pietschnig - nghiên cứu viên thuộc Viện ứng dụng tâm lý tại ĐH Vienna giải thích: "Theo những gì quan sát được, kích cỡ của não bộ chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc quyết định chúng ta có thông minh hay không. Thay vào đó, cấu trúc của não bộ dường như đóng vai trò quyết định về khả năng tư duy của chúng ta xét trên góc độ sinh học, trong khi kích cỡ chỉ giúp cho tốc độ nhận thức của cơ thể nhanh hơn".
Sự quan trọng của cấu trúc não bộ có thể thấy rõ hơn khi so sánh giữa các loài khác nhau.
Bộ não khổng lồ của cá nhà táng.
Ví dụ như trường hợp của cá nhà táng - loài cá thuộc bộ cá voi có hệ thống thần kinh và não bộ lớn nhất hành tinh. Hay khi xét đến tỉ lệ não bộ so với khối lượng cơ thể, loài chuột chù là đứng đầu, còn con người xếp sau khá xa.
Điều này cho thấy cấu trúc của não bộ là điều quyết định sự khác biệt về trí thông minh giữa 2 loài khác nhau. Ngoài ra, theo thống kê ở người, đàn ông thường có não bộ lớn hơn phụ nữ, nhưng không vì thế mà trí thông minh của phụ nữ thua kém nửa kia của thế giới. Các nữ khoa học gia vĩ đại như Marie Curie đã chứng minh điều đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuroscience and Biobehavioral Reviews.