Khoa học dữ liệu vừa tìm ra lý do bạn thích Game of Thrones
Series phim thu hút người xem nhờ cách sắp xếp tương tác của nhân vật gần gũi với mối quan hệ và sự tương tác của con người trong đời thực.
Các nhà nghiên cứu từ năm trường đại học của Anh và Ireland mới đây đã cùng nhau đưa ra câu trả lời cho câu hỏi "Làm sao mà series phim truyền hình Game of Thrones hay Trò chơi vương quyền vốn khó hiểu lại thu hút nhiều người xem?".
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà vật lý, nhà toán học và nhà tâm lý học đến từ Đại học Coventry, Warwick, Limerick, Cambridge và Oxford tìm hiểu những bí ẩn đằng sau cuốn sách chủ đề của phim "A Song of Ice and Fire" của nhà văn George R.R. Martin.
Dựa vào khoa học phân tích dữ liệu và lý thuyết mạng lưới xã hội, nghiên cứu chỉ ra rằng bộ phim thu hút vì cách sắp xếp tương tác của các nhân vật trong phim rất giống với cách mà con người tương tác và duy trì mối quan hệ trong thế giới thực.
Hơn nữa, mặc dù các nhân vật quan trọng trong cốt truyện đều chết ngẫu nhiên, người xem vẫn có thể hiểu được trình tự thời gian của bộ phim.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng, toàn bộ câu chuyện có đến 2.000 nhân vật và 41.000 sự tương tác qua lại giữa họ, nhưng qua từng chương, con số này giảm xuống dần để phù hợp với những gì mà con người có thể xử lý trong cuộc sống thực.
Sự tương tác của các nhân vật trong phim giống với con người trong cuộc sống thực. (Ảnh: NME)
Ngay cả những nhân vật kể chuyện chính cũng giảm sự tương tác xuống còn chỉ với 150 người khác. Đây là con số trung bình mà não bộ con người đã tiến hóa để giải quyết.
Việc gắn với các mô típ toán học có thể dẫn đến một kịch bản nghèo nàn, vì vậy tác giả George R. R. Martin cố giữ câu chuyện của mình sôi nổi bằng cách tạo ra những cái chết ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại thấy rằng, một khi các cảnh phim mang tính thời gian được sắp xếp lại, những cái chết này không còn là ngẫu nhiên. Chúng phản ánh cách mà các sự kiện phổ biến được lan rộng cho những hoạt động phi bạo lực của con người.
"Game of Thrones" đã tập hợp tất cả sự so sánh trong lịch sử, thần thoại và sự kết hợp giữa khoa học và tính nhân văn, mở ra con đường mới cho văn học so sánh.
Ví dụ, bộ phim đã cho thấy tiểu thuyết của Iceland cũng na ná với thần thoại của Anh như câu chuyện anh hùng Beowulf hay thần thoại Ireland. Có vẻ như nghệ thuật của phim là sự kết hợp giữa thực tế và tính không đoán trước được theo một cách hấp dẫn về mặt nhận thức.
Biểu đồ phân tích mối quan hệ qua lại giữa các nhân vật. (Ảnh: Predictivehacks).
Nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Thomas Gessey-Jones, bình luận: "Các phương pháp nghiên cứu cho phép chúng tôi đánh giá lượng hóa nhiều vấn đề từ sự theo dõi của khán giả với bộ phim, chẳng hạn như việc các nhân vật thường chết một cách ngẫu nhiên".
Giáo sư Colm Connaughton từ Đại học Warwick, lập luận: "Con người phần lớn thấu hiểu thế giới qua những câu chuyện kể. Nhưng chúng ta chưa có bằng chứng khoa học nào giải thích vì sao những câu chuyện phức tạp được hiểu đúng đắn. Nghiên cứu này là một bước trong việc trả lời câu hỏi đó".
"Nghiên cứu này đưa ra bằng chứng cho thấy những nhà văn giỏi thường phải tìm hiểu rất kỹ về tâm lý của người đọc", theo Giáo sư Robin Dunbar, Đại học Oxford.
"Tôi rất mong chờ sự phát triển của khoa học phân tích mạng lưới xã hội. Hi vọng cùng với việc học hỏi về công nghệ, chúng ta có thể đoán trước được những series phim trong tương lai sẽ như thế nào", Tiến sĩ Joseph Yose từ Đại học Conventry, hào hứng.