Khóc thét với sinh vật có vũ khí tự vệ như bước ra từ phim kinh dị
Sinh vật này có cơ chế tự vệ đủ để khiến nhiều người giật mình khi biết được sự thật.
Thế giới tự nhiên khốc liệt đòi hỏi các loài sinh vật phải có những vũ khí tự vệ của riêng mình. Nhưng riêng với loài vật này, vũ khí tự vệ của chúng không những khiến kẻ thù chùn bước, mà còn làm chúng ta phải thấy ghê sợ khi biết được bản chất.
Sinh vật chúng ta nhắc đến ở đây là Tripneustes gratilla - một loài cầu gai ở Thái Bình Dương.
Cầu gai Tripneustes gratilla.
Đúng như tên gọi, vũ khí của loài vật này đương nhiên là những cái gai sắc nhọn. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế đâu.
Theo một báo cáo mới đây, loài cầu gai Tripneustes gratilla có một cơ chế tự vệ rất đáng sợ. Khi bị tấn công, nó sẽ giải phóng hàng trăm "cái đầu" tí hon, mỗi cái đầu có nguyên bộ hàm nhọn hoắt. Chúng sẽ bơm vào người kẻ thù những giọt chất độc chết người.
Cận cảnh những "cái đầu" của Tripneustes gratilla.
Cơ chế này được gọi là "phát tín hiệu truy đuổi dưới nước", do nhà hải dương học Hannah Sheppard-Brennand từ ĐH Southern Cross (Úc) tìm ra. Trên thực tế, nhiều loài vật có khả năng phóng vũ khí để tự vệ. Nhưng khả năng của Tripneustes gratilla là độc nhất vô nhị, vì mỗi "cái đầu" có khả năng hoạt động độc lập.
"Những cái đầu này thực sự rất đáng sợ" - Sheppard-Brennand thú nhận. "Khi mới quan sát, chúng tôi đã nghĩ đó là ký sinh trùng, dựa trên hình dạng bên ngoài và hành động quá độc lập so với vật chủ".
Những đầu cắm trên thân cầu gai, chỉ trực chờ phóng ra.
Những "cái đầu" này được gọi là chân kìm (pedicellariae), và nó khá phổ biến ở những loài động vật có gai. Ở các loài cầu gai thông thường, các chân kìm sẽ gắn vào những mục tiêu di động, thường được dùng để thu hút thức ăn và chống lại kẻ thù.
Tuy nhiên, chân kìm của T. gratilla thì giống y như quái vật ngoài hành tinh của Hollywood. Chúng có thể tự động tách ra khỏi thân cầu, tự truy đuổi kẻ thù, tự cắn và tự tiêm nọc độc.
Chân kìm của T. gratilla thì giống y như quái vật ngoài hành tinh của Hollywood.
Qua một số thí nghiệm, Sheppard-Brennand cho biết sau mỗi đợt tự vệ, T. gratilla cần 40 - 50 ngày để các chân kìm mọc lại. Chính vì thế mỗi khi bị kích thích, chúng thường chỉ giải phóng khoảng 10 - 20 "cái đầu" mà thôi. Tuy vậy, cô cũng đã từng thấy có trường hợp giải phóng hàng trăm cái đầu chỉ trong vòng 30s, và rõ ràng đó là một cơn ác mộng với kẻ thù của chúng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The American Naturalist.