Khu ngập nước độc nhất thế giới đang bị đe dọa
Các chuyên gia môi trường cảnh báo trong Ngày các vùng đất ngập nước trên thế giới 2/2 về Pantanal, khu đa dạng sinh học ngập nước độc nhất vô nhị trên thế giới ở miền Trung Tây Brazil, đang bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động nông nghiệp mật độ cao và tình trạng phá rừng lan tràn.
Là hệ thống rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, Pantanal trải dài hàng triệu hécta từ Brazil sang Đông Bolivia và Đông Paraguay. Đây là khu vực cư trú của hàng trăm loài chim di cư, thủy sản, động vật có vú và thực vật đặc hữu của rừng ngập mặn. Tổng cộng, có khoảng 4.500 loài sinh sống ở đây.
Tổ chức Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đang lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa ngày càng gia tăng với vùng này do các hoạt động nông nghiệp, phá rừng, đô thị hóa và sự xây dựng tràn lan các đập thủy điện.
WWF đưa ra kết luận trên dựa trên các bằng chứng trong một nghiên cứu kéo dài ba năm của 30 chuyên gia đến từ Brazil, Paraguay, Bolivia và Argentina dọc theo các khu vực mà con sông Paraguay chảy qua, kéo dài khoảng 2.600km từ thượng nguồn ở Mato Grosso tới phần phân lưu với sông Parana ở Argentina.
Nhà sinh học Glauco Kimura, thuộc chương trình Đời sống thủy sinh vật của WWF, cho biết: “Pantanal đang bị đe dọa. Đó là một thực trạng đáng buồn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 14% lưu vực sông Paraguay cần phải được bảo vệ khẩn cấp".
Đi dọc theo sông Cuiaba, một dòng sông quan trọng của Pantanal, Kimura và nhóm của ông đã tiến hành nghiến cứu đến tận công viên quốc gia Chapada dos Guimaraes, trên một bình nguyên giáp ranh Pantanal.
Hàng nghìn héta đất nông nghiệp đang được mở rộng mỗi ngày để trồng đậu nành, ngô, gạo, cây bông và mía đã ngày càng thu hẹp diện tích vùng rừng ngập mặn. Việc phá rừng để lấy chỗ chăn nuôi gia súc càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Khoảng 15% diện tích tự nhiên của Pantanal đã bị tàn phá để lấy chỗ canh tác đậu nành và nuôi gia súc, theo WWF, gây ra tình trạng thoái hóa đất trầm trọng.
Nghiên cứu của WWF, được tiến hành cùng tổ chức Bảo tồn thiên nhiên có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh những hành động hợp tác của các nước trong vùng để cứu vãn tình hình.
“Không thể tiếp tục mở rộng canh tác như hiện nay, nếu không rừng sẽ bị hủy hoại toàn bộ và nguồn nước sẽ ngày càng ô nhiễm”, ông Kimura nói.
Hiện mới 11% vùng lưu vực sông Paraguay được đưa vào các khu bảo tồn.