Kim cương máu: Nỗi ám ảnh đối với nhân loại
Kim cương xung đột hay còn gọi là kim cương máu là những viên đá quý ám chỉ sự chết chóc của con người.
Những viên đá quý này sẽ tài trợ cho các cuộc xung đột hay tổ chức khủng bố, mang lại đau khổ cho con người, đồng thời nó tác động xấu đến môi trường.
Liên Hợp Quốc định nghĩa kim cương máu là những viên kim cương thô được phiến quân khai thác nhằm mang lại kinh tế giúp chúng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Bất chấp Quy trình Kimberley - kiểm soát việc nhập khẩu kim cương máu - việc khai thác bất hợp pháp loại đá quý này vẫn đang diễn ra.
Kim cương máu ám chỉ những viên kim cương được khai thác thu lợi nhuận nhằm tài trợ cho các cuộc xung đột, chiến tranh hay tổ chức khủng bố. (Ảnh minh họa: iStock).
Ngành kinh doanh sinh lời
Nói đến kim cương máu chính là ám chỉ những viên đá quý có nguồn gốc từ lục địa châu Phi.
Chúng được khai thác
ở những vùng có chiến tranh hoặc xung đột để thu lợi nhuận, sau đó tài trợ cho các hoạt động khủng bố hoặc các nhóm vũ trang thực hiện hành vi bạo lực chống lại nhân quyền.
Vào những năm 2000, hoạt động buôn bán kim cương máu được cho là chiếm tới 15% thị trường toàn cầu, do các công ty đa quốc gia lớn nắm giữ.
Trong quá khứ, đã có nhiều cuộc xung đột do hoạt động buôn bán kim cương máu gây ra, đặc biệt là cuộc nội chiến ở Liberia và Sierra Leone.
Mặc dù hầu hết các cuộc xung đột này đã kết thúc, nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn tiếp tục cảnh báo về những điều tồi tệ sẽ xảy ra khi khai thác những viên đá quý này.
Quy trình Kimberley được thông qua vào tháng 5/2000, trong một diễn đàn đàm phán với sự quy tụ đại diện của hàng chục quốc gia, ngành công nghiệp kim cương và xã hội dân sự. Nó nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của kim cương máu vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của quy trình này đã nhiều lần bị một số tổ chức phi chính phủ nghi ngờ và cáo buộc là không cung cấp đầy đủ sự đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Theo một tổ chức phi chính phủ có tên tiếng Anh là Global Witness, một thành viên sáng lập Kimberley đã rút lui vào năm 2011 và quy trình này không thể giải quyết được các vấn đề xã hội, buôn lậu, rửa tiền, môi trường hay vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới liên quan đến kim cương máu.
Ngoài việc gây ra những hậu quả xã hội tai hại, quá trình khai thác kim cương máu còn hủy hoại môi trường sống.
Việc khai thác chúng sẽ giải phóng một lượng lớn chất thải có chứa xyanua và thủy ngân, những chất này sau đó xâm nhập vào đường thủy, gây ô nhiễm sông ngòi nghiêm trọng.