Kim tự tháp Cestius: Công trình độc đáo thời La Mã cổ
Nhắc đến kim tự tháp, người ta thường liên tưởng tới Ai Cập cổ đại, tuy nhiên, những cấu trúc bốn mặt với đỉnh thuôn nhọn này cũng được tìm thấy trên khắp thế giới, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.
Người La Mã cũng từng xây dựng kim tự tháp và một trong những công trình nổi bật nhất nằm ở chính tại thành Rome (Ý).
Lăng mộ kỳ vĩ
Kim tự tháp Cestius ở Rome được xây dựng dành cho Gaius Cestius Epulo, một chính trị gia, pháp quan và tu sĩ, người có nguyện vọng được chôn cất trong một ngôi mộ xây theo phong cách của người Ai Cập. Và ông đã được như ý.
Ngày nay, kim tự tháp Cestius là địa điểm du lịch hấp dẫn.
Công trình này được xây dựng vào khoảng năm 18 - 12 trước Công nguyên và hoàn thành trong 330 ngày, cũng theo mong muốn của Cestius. Nó cao khoảng 37m, nền hình vuông mỗi cạnh chừng 30m, được xây bằng gạch và xi măng, bề mặt bao phủ bởi đá hoa cương.
Kim tự tháp Cestius nằm ở vùng nông thôn rộng rãi vì lúc đó có những luật hạn chế chi tiêu, cấm phô trương, thể hiện giàu có thông qua quần áo, lễ vật, tang lễ và lăng mộ. Do lăng mộ của Cestius quá hoành tráng nên nó đã bị đưa ra khỏi các bức tường thành.
Trong thời kỳ đế quốc, Rome phát triển mạnh mẽ và đến thế kỷ thứ 3 thuộc Công nguyên, các tòa nhà tráng lệ lần lượt mọc lên bao quanh kim tự tháp.
Ban đầu, nó nằm trong một khu vực được bao quanh bởi tường thấp, hai bên là những bức tượng, cột và những ngôi mộ khác. Một số di tích này đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật vào những năm 1660.
Bên trong kim tự tháp là hầm mộ - một khoang hình chữ nhật vòm tròn, chiều dài 6m, rộng 4m và cao 5m. Các bức tường được trang trí những bức bích họa tiên nữ và tượng Thần chiến thắng có cánh với vương miện và dải băng trên tay.
Ngôi mộ đã được niêm phong kín khi xây dựng xong, nhưng có lẽ đã bị cướp bóc vào thời Trung cổ, thông qua một đường hầm được đào ở phía Bắc, dẫn đến việc mất chiếc bình đựng tro cốt và những phần trang trí đáng kể.
Kim tự tháp Cestius với đỉnh nhọn không giống mẫu hình kim tự tháp Ai Cập.
Kim tự tháp Cestius được xây dựng trong thời kỳ La Mã đang chịu ảnh hưởng lớn về mọi thứ thuộc Ai Cập. Rạp xiếc Maximus được hoàng đế Augustus trang hoàng bằng một đài tưởng niệm Ai Cập, trong khi đó các kim tự tháp cũng được xây dựng nhiều nơi trong đế quốc La Mã vào khoảng thời gian này.
Meta Romuli là một trong những kim tự tháp đứng bên bờ sông Tiber trong 1.500 năm, trước khi bị phá hủy vào thế kỷ 16.
Tuy nhiên, trái với niềm tin phổ biến, thiết kế của các kim tự tháp ở La Mã không dựa trên mẫu hình kim tự tháp Ai Cập mà có nét giống kim tự tháp Nubia, đặc biệt là của vương quốc Meroë, nơi đã bị La Mã tấn công vào năm 23 trước Công nguyên. Có thể Cestius từng phục vụ trong chiến dịch quân sự chống lại vương quốc Nubian và được truyền cảm hứng từ những kim tự tháp mà ông nhìn thấy ở đó.
Hồi sinh sau nhiều thế kỷ
Trong quá trình xây dựng Tường thành Aurelian từ năm 271 đến năm 275 thuộc Công nguyên, kim tự tháp Cestius đã kết hợp với các công sự hình thành một pháo đài hình tam giác. Việc sử dụng kim tự tháp theo cách này nhằm làm giảm chi phí và thời gian xây dựng các bức tường mới. Điều này có khả năng đã giúp nó tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Đến thời Trung cổ, nguồn gốc của kim tự tháp đã bị lãng quên. Francesco Petrarca, nhà thơ Ý sống vào thế kỷ XIV ghi lại rằng, cư dân của Rome tin đó là lăng mộ của Remus (Meta Remi) và một bản sao của nó gần Vatican là lăng mộ của Romulus.
Nguồn gốc thực sự của Cestius chỉ được làm rõ sau cuộc khai quật vào những năm 1660. Khi dọn sạch cây cối mọc um tùm quanh kim tự tháp, người ta phát hiện ra những dòng chữ khắc trên bề mặt của nó.
Dòng chữ ở phía Đông Nam có nội dung: "Gaius Cestius Epulo, con trai của Lucius, ở quận Poblilian... Theo di nguyện của người, công việc này được hoàn thành trong ba trăm ba mươi ngày, nó được thực hiện bởi những người thừa kế - L. Pontus Mela, con trai của Publius, ở quận Claudian và Pothus, người nô lệ được giải phóng của ông".
Kim tự tháp Cestius kết hợp với Tường thành Aurelian do kiến trúc sư người Ý, Giuseppe Vasi, vẽ vào thế kỷ 18.
Nhóm khảo cổ cũng đã đào đường hầm vào trong mộ và tìm thấy chân đế của hai bức tượng đồng đứng dọc theo kim tự tháp.
Kim tự tháp là một cảnh quan thu hút khách du lịch vào thế kỷ 18 và 19. Percy Bysshe Shelley, nhà thơ, nhà triết học Anh, đã mô tả Cestius là "một kim tự tháp siêu phàm" và nhà thơ Thomas Hardy khi nhìn thấy công trình này vào năm 1887 đã sáng tác một bài thơ ca ngợi nó.
Ngày nay, kim tự tháp chỉ có thể được tiếp cận với sự cho phép đặc biệt, do các công trình đang được bảo tồn. Tuy nhiên, vẻ ngoài của kim tự tháp có thể được chiêm ngưỡng đầy đủ từ bên trong Bức tường Aurelian ở phía Tây Bắc. Được bao quanh bởi một lan can bảo vệ, kim tự tháp Cestius tiếp tục mang đến một nét ấn tượng, đầy cảm hứng về cảnh quan La Mã cổ đại.
- Người bị chôn sống vì tuẫn táng có thể sống trong bao lâu dưới mộ?
- Tại sao người Trung Quốc xưa chuộng dùng ngọc để nhét kín hậu môn và cửu khiếu khi mai táng?
- Đào ao ở sân sau, lão nông tình cờ đụng trúng sinh vật biển cổ đại hóa ngọc cực hiếm