Lạ kỳ gia đình có "gene" đạt giải Nobel
Marie Curie là nữ khoa học gia đầu tiên đạt giải Nobel, đồng thời cũng là người đầu tiên đạt giải 2 giải Nobel trên 2 lĩnh vực khác nhau. Với gia đình của Marie Curie, cái duyên với giải Nobel thật kỳ lạ.
Hai vợ chồng 3 giải Nobel
Marie Curie - nhà khoa học thiên tài có một gia đình nhiều duyên nợ với giải Nobel.
Theo BBC, Maria Salomea Skłodowska (1867-1934) là một nhà vật lý và hóa học nổi tiếng người Ba Lan. Do đam mê khoa học từ nhỏ, khi đến tuổi trưởng thành, bà đến Paris vừa học vừa kiếm tiền.
Tại đây, bà nên duyên cùng Pierre Curie, một nhà khoa học tài ba - người tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học , từ học, điện học và phóng xạ học. Chính Pierre Curie đã làm Marie Curie (tên sau kết hôn) thoát suy nghĩ vốn có do định kiến xã hội: phụ nữ không thể làm khoa học.
Vợ chồng Marie Curie cùng nhận Nobel Vật lý năm 1903.
Năm 1903, bà nhận giải Nobel Vật lý cùng chồng cho các nghiên cứu về bức xạ. Nhưng đáng tiếc, chỉ 3 năm sau, Pierre Curie mất đột ngột do tai nạn giao thông.
Marie Curie tiếp tục nghiên cứu, và vào năm 1911 bà nhận giải Nobel Hóa học cho công trình tìm ra 2 nguyên tố phóng xạ radium và polonium. Trong đó, polonium được bà đặt tên để tưởng nhớ đất nước Ba Lan của mình (Poland).
Tiếp nối con đường của mẹ - 2 giải Nobel
Irène Curie (phải) từ nhỏ đã đam mê khoa học như cha mẹ.
Theo Hội đồng hóa học Hoàng gia Anh, Irène Curie sinh năm 1897 tại Paris là người con đầu của Marie Curie và Pierre Curie. Sinh ra trong gia đình có "truyền thống" khoa học, Irène Curie nhanh chóng phát triển khả năng tư duy và nuôi dưỡng niềm đam mê hóa học từ nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, bà xin vào phụ tá cho mẹ mình ở Viện nghiện cứu Radium ở Paris.
Năm 1925, nhóm nghiên cứu của 2 mẹ con có thêm sự tham gia của nghiên cứu sinh Frédéric Joliot từ trường Collège de France. Irène Curie và Frédéric Joliot yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Irène Curie cùng chồng nghiên cứu và giành Nobel, hệt như cha mẹ trước đây.
Từ đó, 2 người cùng nhau nghiên cứu các hiện tượng phóng xạ tự nhiên, phóng xạ nhân tạo và vật lý hạt nhân.
Các phát hiện của họ về sự va chạm của các hạt nơtron vào hạt nhân các nguyên tố nặng là nền tảng cho các nhà khoa học kế cận tìm ra phản ứng phân tách hạt nhân.
Năm 1935, 2 vợ chồng đạt giải Nobel Hóa học cho những công trình về phát xạ nhân tạo - sự tiếp nối công trình của mẹ mình về các nguyên tố phóng xạ tự nhiên.
Người con "ngoại đạo" và giải Nobel hòa bình
Cô con gái út của mẹ Marie Curie không theo khoa học mà chọn con đường viết lách và hoạt động xã hội.
Theo The New York Times, người con còn lại của bà, Eve Curie (1904 - 2007) dù rất yêu quý mẹ mình nhưng không theo đuổi con đường khoa học của gia đình.
Eve Curie thích các môn xã hội và thích viết lách, về sau theo nghiệp nhà văn, nhà báo và nghệ sỹ piano. Sau khi mẹ bà qua đời, Eve Curie là người chấp bút viết một cuốn tiểu sử về nhà khoa học vĩ đại Marie Curie.
UNICEF đạt giải Nobel Hòa bình trong thời gian con rể của Marie Curie làm giám đốc.
Năm 1954, bà kết hôn cùng Henry Richardson Labouisse (1904-1987), một nhà ngoại giao và nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Ông là giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) trong 4 năm 1965-1969.
Bất ngờ thay, chính trong năm 1965, tổ chức UNICEF được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho công việc khích lệ tình thương tương trợ giữa các quốc gia. Trên vai trò giám đốc, người con rể của Marie Curie vinh dự thay mặt UNICEF nhận giải thưởng cao quý này.
Sinh nghề tử nghiệp
Sau khi mất, Marie Curie được vinh danh ở rất nhiều nơi trên thế giới - (Ảnh: GETTY IMAGES).
Do hoạt động trong lĩnh vực phóng xạ, cả 2 mẹ con Marie Curie và Irène Joliot-Curie đều mắc phải những căn bệnh liên quan đến công việc và mất lần lượt vào các năm 1934 và 1956.
Theo trang thông tin chính thức của Giải Nobel, Marie Curie mất do bệnh suy tủy xương - căn bệnh làm cho các việc tế bào tủy mất dần khả năng tạo máu khiến cơ thể suy giảm nghiêm trọng một trong ba hoặc cả ba tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Trong khi đó, Irène Joliot-Curie mất do căn bệnh ung thư bạch cầu. Bạch cầu trong cơ thể tăng đột biến nên chúng thiếu "thức ăn" trầm trọng, dẫn đến việc phải ăn cả hồng cầu. Từ đó, hồng cầu trong cơ thể bị phá hoại dần dẫn đến thiếu máu và tử vong.
Không giống với mẹ và chị gái, Ève Curie Labouisse sống đến 103 tuổi. Tháng 12/2004, khi tổ chức sinh nhật lần thứ 100 cho bà, đích thân Tổng thư ký Liên hiệp quốc bấy giờ - ông Kofi Annan - đã đến chúc mừng.