Liệu pháp tế bào gốc chữa được khỉ bị liệt
Lần đầu tiên trong lịch sử y khoa, liệu pháp tế bào gốc đã khôi phục hoạt động ở một động vật linh trưởng từng bị liệt toàn thân vì chấn thương cột sống.
Loài khỉ đuôi sóc được áp dụng liệu pháp tế bào gốc. (Ảnh minh họa: internet)
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa công bố thí nghiệm mang tính đột phá: họ đã sử dụng tế bào gốc để khôi phục một phần hoạt động của một chú khỉ nhỏ từng lâm vào tình trạng liệt từ cổ trở xuống do chấn thương cột sống.
"Đây là ca đầu tiên trên thế giới đối với động vật linh trưởng”, AFP dẫn lời giáo sư Hideyuki Okano của Đại học Keio ở Tokyo.
Sau khi thực hiện thành công việc chữa trị đối với chuột, nhóm nghiên cứu của ông Okano đã chuyển qua thực hiện liệu pháp tương tự đối với động vật linh trưởng, lần này là khỉ đuôi sóc.
Các chuyên gia đã chích tế bào đa năng nhân tạo (iPS) vào chú khỉ đang bị liệt. iPS là những tế bào đặc biệt được tạo nên để trở thành đa năng, có nghĩa là có thể tạo ra tất cả loại tế bào khác cho cơ thể mà không phân biệt cho một loại mô nào.
Các nhà khoa học của Đại học Keio đã cấy 4 loại gien vào tế bào da người để tạo nên những tế bào iPS này, theo Kyodo News.
Việc bơm iPS vào cơ thể khỉ được thực hiện vào ngày thứ 9 kể từ khi chú bị tổn thương. Đây được xác định là thời gian hoàn hảo để thực hiện điều này.
Kết quả hết sức ấn tượng, chú khỉ một lần nữa có thể cử động các chi trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi được điều trị, ông Okano cho hay.
"Sau 6 tuần, con vật đã hồi phục đến mức có thể nhảy nhót khắp nơi”, ông nói với AFP. “Nó gần như hồi phục hoàn toàn”, Okano nói tiếp. Còn lực cầm nắm của chi trước cũng phục hồi đến 80%.
Giáo sư Okano gọi dự án nghiên cứu này là một bước ngoặt, mở đường cho phương pháp điều trị y khoa tương tự áp dụng cho người.