Linh dương đánh lừa con cái để giao phối
Linh dương topi đực thường đánh lừa những con cái bằng một cách độc đáo để tăng cơ hội làm cha trong mùa giao phối.
Hai con linh dương topi tại châu Phi. Ảnh: sheknows.com.
National Geographic cho biết, Jakob Bro-Jorgensen - một nhà khoa học của Đại học Liverpool tại Anh – cùng các đồng nghiệp theo dõi những con linh dương trong khu bảo tồn quốc gia Masai Mara của Kenya. Nhóm chuyên gia nhận thấy, khi một linh dương cái sắp ra khỏi lãnh địa của mình, con đực sẽ khịt mũi, nhìn chằm chằm về một hướng và dựng ngược đôi tai. Linh dương thường có những biểu hiện như thế khi phát hiện động vật săn mồi. Vì thế, khi nhìn thấy những hành động bất thường của con đực, con cái tưởng có động vật săn mồi gần đó và sẽ không ra khỏi lãnh địa của anh chàng nữa.
Một điều thú vị là linh dương topi đực chỉ “giở trò lừa bịp” đối với những con cái thực sự có nhu cầu giao phối.
Bro-Jorgensen nghĩ rằng hành vi lừa bịp của linh dương đực giúp chúng tăng cơ hội làm cha trong mùa giao phối ngắn ngủi. Mỗi năm linh dương cái chỉ động dục trong đúng một ngày. Trong ngày quan trọng đó chúng sẽ giao phối với trung bình 4 con đực.
Do thời gian động dục của linh dương topi cái quá ngắn và sự cạnh tranh giữa các con đực rất khốc liệt, nên việc giữ chân các “nàng” ở lại lãnh địa thêm vài phút sẽ giúp các “chàng” tăng cơ hội giao phối, đồng thời loại bỏ cơ hội của những con đực khác.
Đánh lừa là một phần không thể thiếu trong thế giới động vật. Chẳng hạn, một số loài chim giả vờ bị thương khi muốn dụ những kẻ săn mồi ra xa lũ con của chúng. Nhưng phần lớn động vật sử dụng trò lừa khi đối mặt với nguy hiểm. Linh dương topi là một trong số ít loài “giở trò” để được giao phối.
Mike Rainy, nhà sinh thái học kiêm hướng dẫn viên trong khu bảo tồn Masai Mara, đã nghiên cứu linh dương topi trong nhiều thập kỷ. Ông đánh giá cao phát hiện của nhóm Bro-Jorgensen vì họ biết rõ thời điểm và cách thức mà những con linh dương đực thực hiện trò lừa.
Rainy nói thêm rằng ông cũng từng nhìn thấy kiểu lừa tương tự ở nhiều loài linh dương khác – như linh dương châu Phi hay linh dương gazen. Tuy nhiên, ông không biết tại sao chúng thực hiện hành vi đó.
Theo Rainy, nhìn chung họ linh dương phải thực hiện nhiều kiểu lừa để tồn tại.Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ không phát ra tín hiệu cảnh báo nếu nhìn thấy động vật săn mồi rình đối thủ cạnh tranh. Khi nhìn thấy những chú linh dương con trong lãnh thổ, con đực sẽ giả vờ giận dữ và đuổi chúng.
“Những con linh dương đực không bao giờ làm đau linh dương con. Chúng chỉ muốn dụ mẹ hoặc chị của những con non đó tới lãnh thổ của chúng”, Rainy nói.