Loài chim cổ đại đã tuyệt chủng hồi sinh từ cõi chết
Hiện tượng tiến hóa lặp lại đã giúp một loài chim cổ đại xuất hiện trở lại ở Ấn Độ Dương và sống sót đến ngày nay.
Đảo san hô vòng Aldabra ở Ấn Độ Dương từng là ngôi nhà của hàng trăm loài, bao gồm rùa khổng lồ Aldabra. Nhưng cách đây 136.000 năm, một trận lũ lớn làm ngập toàn bộ đảo, phá hủy mọi sự sống, bao gồm loài gà nước cổ trắng (Aldabra rail). Sau đó, chúng đã tái sinh và là loài chim không biết bay cuối cùng còn sót lại ở Ấn Độ Dương ngày nay.
Gà nước cổ trắng là loài chim không biết bay cuối cùng ở Ấn Độ Dương. (Ảnh: IFL Science).
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng kỳ lạ này là một quá trình tự nhiên hiếm gặp mang tên tiến hóa lặp lại. Cách đây hàng nghìn năm, gà nước cổ trắng Madagascar (Dryolimnas cuvieri) di cư tới Mauritius, Reunion, và đảo san hô vòng Aldabra. Tại đó, do vắng động vật săn mồi, chúng mất khả năng bay, tạo thành phân loài mới là gà nước Aldabra (Dryolimnas cuvieri aldabranus).
Sau đó, khoảng 136.000 năm trước, trận lũ lớn xóa sổ gà nước khỏi đảo san hô vòng. Không có đôi cánh bay được, chúng không thể chạy trốn. Nhưng 100.000 năm trước, kỷ Băng hà khiến mực nước biển giảm, Aldabra một lần nữa trở thành nơi phù hợp để sinh sống. Vì vậy, gà nước lại bay từ Madagascar tới đảo san hô vòng. Do không có động vật săn mồi, chúng tiếp tục mất khả năng bay.
Gà nước Madagascar tiến hóa thành hai phân loài không biết bay khác nhau trong thời gian vài nghìn năm. Điều đó khá bất thường. Các nhà khoa học đến từ Đại học Portsmouth và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Anh rút ra kết luận này sau khi phân tích hóa thạch gà nước trước và sau sự kiện ngập lụt. Họ phát hiện cả hai loài đều không bay được.
"Tình huống này có vẻ bất ngờ, nhưng gà nước là loài định cư bền bỉ trên quần đảo biệt lập và có thể tiến hóa nhanh chóng theo hướng mất khả năng bay nếu điều kiện phù hợp. Do đó, chắc chắn việc phân tán của Dryolimnas từ Magagascar tới đảo Aldabra xa xôi xảy ra trong nhiều dịp", nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Động vật học của Hiệp hội Linnaean.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận một loài cự đà và nhiều loài thằn lằn cũng xâm chiếm lại hòn đảo, nhưng phần lớn bị diệt vong do sự xuất hiện của chuột đen xâm hại. Nghiên cứu mới đánh dấu lần đầu tiên tiến hóa lặp lại được phát hiện ở gà nước nói riêng và trong thế giới loài chim nói chung.