Loài chim quý đảo Guam quay lại sau 40 năm tuyệt chủng
Gà nước đảo Guam - loài chim tuyệt chủng trong tự nhiên 40 năm qua - đã quay trở lại sau nỗ lực bảo tồn kéo dài hàng thập kỷ, bắt nguồn từ 21 cá thể cuối cùng được nuôi nhốt.
Trong Thế chiến II, đảo Guam bị quân đội Nhật chiếm đóng. Ngay sau khi hòn đảo được quân đội Mỹ giải phóng vào năm 1944, những con rắn cây nâu đã xuất hiện. Loài bò sát này được cho là đã tình cờ quá giang trên những chuyến tàu chở hàng phục vụ quân đội Mỹ.
Đối với một loài rắn săn mồi có chiều dài tối đa lên tới 2,5m, đảo Guam trở thành thiên đường của chúng vì ở đây chúng không gặp phải bất cứ địch thủ nào, trong khi nguồn thức ăn lại phong phú. Loài rắn cây nâu vì vậy sinh trưởng nhanh và đã xóa sổ 10 trong số 12 loài chim bản địa trên đảo Guam.
Bà Suzanne Media, nhà sinh vật học hoang dã của Bộ Nông nghiệp đảo Guam, nhận định việc các loài chim bị xóa sổ dẫn tới một hiệu ứng domino. Không có chim giúp phát tán hạt giống, những cánh rừng trở nên thưa thớt dần. Trong khi đó, quần thể nhện trước đây bị chim kiểm soát cũng cũng tăng vọt.
Gà nước đảo Guam đã từng bị xác định là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên trong vòng 40 năm qua. (Ảnh: CNN).
Vấn đề không dừng lại ở đó, những con rắn cũng trườn từ cây sang dây điện và gây mất điện thường xuyên trên hòn đảo. Các kế hoạch kiểm soát số lượng rắn cũng không đem lại nhiều hiệu quả. Chuột chết tẩm acetaminphoen được thả từ trên máy bay xuống các cánh rừng, với hy vọng những con rắn sẽ ăn chúng rồi lăn ra chết.
Chỉ có một số ít những con gà nước đảo Guam còn sót lại và tránh khỏi bị loài rắn ăn thịt. Vào năm 1981, các nhà bảo tồn lùng sục cả hòn đảo và chỉ tìm thấy 21 cá thể. Họ đưa chúng vào môi trường nuôi nhốt, và gà nước đảo Guam được xác định là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Tám năm sau đó, các nhà bảo tồn bắt đầu thả những con chim đời tiếp theo vào môi trường tự nhiên, tất nhiên là không phải trên đảo Guam, nơi chúng có thể bị ăn, mà ở trên đảo Rota ở phía bắc, nhỏ hơn và không có loài rắn cây nâu.
Những nỗ lực tái thả ban đầu đã thất bại, theo bà Medina. Những con gà nước bị xe cán chết hoặc bị mèo hoang ăn thịt, và chúng có xu hướng di chuyển rộng tới mức không thể tìm thấy nhau mà sinh sản.
Chỉ đến cuối những năm 1990, Medina và nhóm của bà mới "khám phá ra bí mật" để giúp những con chim này kết đôi. Bí quyết là phải dựa vào tính cách của từng con chim, xây dựng một "profile" phù hợp để việc hẹn hò tiến triển tốt đẹp và dẫn tới các con chim non.
Một số con đực không hề quan tâm đến việc giao phối, ngay cả khi con cái cho thấy dấu hiệu rõ ràng của việc nó đã sẵn sàng, Laura Duenas - đồng nghiệp của bà Medina - cho biết. Trong khi đó một số con được ghép đôi lại ghét nhau và tấn công con kia tới chết.
Cuối cùng thì nỗ lực của các nhà bảo tồn đã được đền đáp. Nhiều con chim non nở ra và triển vọng sinh tồn của loài được cải thiện. Đảo Rota hiện nay là nhà của 200 con gà nước, trong khi từ 60 đến 80 cá thể sống ở trên đảo Cocos tí hòn ở phía nam đảo Guam. Con số không lớn nhưng bà Duenas tin tưởng rằng chúng sẽ có thể phát triển bền vững.