Loài chim thời tiền sử nặng nửa tấn và cao 3,5m
Các chuyên gia phát hiện loài chim khổng lồ chạy rất nhanh, sống cách đây 1,5-2 triệu năm, có thể từng là mục tiêu của thợ săn thời tiền sử.
Hóa thạch của một con chim nặng tương đương gấu Bắc Cực được phát hiện trong hang Taurida, bán đảo Crimea, gần bờ Biển Đen, Independent hôm nay đưa tin. Con vật không biết bay, cao 3,5m, nặng 450kg và sống cách đây 1,5-2 triệu năm. Nó có thể là nguồn cung cấp thịt, xương, lông và trứng cho những thợ săn thời tiền sử.
Con chim thuộc loài Pachystruthio dmanisensis, nặng gấp khoảng ba lần đà điểu ngày nay và chạy rất nhanh. Tốc độ có lẽ là yếu tố quan trọng giúp chúng sinh tồn khi sống cùng những kẻ ăn thịt to lớn của kỷ Băng hà như linh cẩu khổng lồ, báo săn khổng lồ hay hổ răng kiếm.
Các nhà khoa học biết tới loài chim này từ trước nhưng không nghĩ kích thước của chúng lại lớn đến thế. Họ từng cho rằng những loài chim lớn như vậy chỉ có ở Madagascar, New Zealand và Australia.
Chim Pachystruthio dmanisensis với chiều cao 3,5m và đôi chân chắc khỏe. (Ảnh: Andrey Atuchin).
"Khi cầm trên tay xương đùi và lần đầu cảm nhận cân nặng của nó, tôi nghĩ đây phải là hóa thạch của chim voi Madagascar vì chưa có loài chim nào kích thước đồ sộ như vậy được tìm thấy tại châu Âu. Tuy nhiên, cấu trúc xương lại cho thấy điều hoàn toàn khác", tiến sĩ Nikita Zelenkov tại Viện Khoa học Nga, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, chia sẻ.
"Chúng tôi chưa đủ dữ liệu để xác định nó có họ gần nhất với đà điểu hay sinh vật khác. Trọng lượng của nó gần gấp đôi loài chim moa lớn nhất, gấp ba lần loài chim lớn nhất còn sống là đà điểu châu Phi và gần bằng gấu Bắc Cực trưởng thành", Zelenkov nói thêm. Cơ thể đồ sộ khiến chim voi bị hạn chế về tốc độ, nhưng xương đùi của Pachystruthio dmanisensis lại dài và mảnh, cho thấy nó chạy rất nhanh.
Địa điểm cổ xưa nhất phát hiện dấu tích của người Hominin ngoài châu Phi là thị trấn Dmanisi, Georgia, gần hang Taurida. Các nhà khoa học cho rằng Pachystruthio dmanisensis có thể là một trong những loài vật điển hình sống cùng thời với những người Hominin đầu tiên đến châu Âu. Loài chim này có thể đã tới gần Biển Đen bằng cách đi qua Nam Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hệ thống hang Taurida mới được phát hiện vào hè năm ngoái, trong quá trình xây dựng một con đường mới. Năm ngoái, hóa thạch voi ma mút cũng được khai quật. Có thể ở đây còn nhiều hóa thạch khác giúp chúng ta hiểu thêm về châu Âu thời tiền sử", tiến sĩ Zelenkov cho biết.
Nhiều khả năng loài chim này phát triển lớn như vậy vì môi trường khi đó đang dần trở nên khô hạn, Trái Đất sắp bước vào thế Canh Tân. Động vật với cơ thể đồ sộ có nhu cầu trao đổi chất thấp hơn, nghĩa là chúng sẽ tận dụng được những thức ăn ít dinh dưỡng trên các thảo nguyên rộng lớn.