Loài khủng long mới có sừng tại Alberta, Canada
Hóa thạch mới được khai quật tiết lộ một bầy khủng long thiệt mạng trong thảm họa xảy ra cách đây 72,5 triệu năm. Chúng đặc trưng với lớp diềm xếp đằng sau hộp sọ và những chiếc sừng nhỏ. Chúng cũng có các cấu trúc cứng như xương ở trên mũi và mắt. Các đặc điểm này đã mang đến cho chúng cái tên Pachyrhinosaurus, hay còn gọi là thằn lằn mũi dày. Các cấu trúc đó có lẽ mang vai trò hỗ trợ cho chiếc sừng bằng keratin.
Theo tiến sĩ Philip Currie, nhà cổ sinh vật học kiêm chủ tịch nghiên cứu khoa cổ sinh vật học khủng long Canada thuộc Đại học Alberta, vùng tây bắc Alberta trước đây được cho là không có các dấu tích của khủng long. Cho đến thời điểm những năm 1970 khi cuộc khai quật và nghiên cứu của Al Lakusta tiến hành trên địa bàn mới khiến Bảo tàng Tyrrell Hoàng Gia bắt tay vào khai quật vỉa chứa xương. Philip Currie cũng đồng thời tham gia vào cuộc khai quật tìm kiếm loài khủng long mới. Cái tên Pachyrhinosaur lakustai là nhằm vinh danh Lakusta, hiện là giáo viên khoa học đã nghỉ hưu.
“Mật độ của vỉa chứa xương Pipestone Creek rất lớn, trội hơn nhiều so với các vỉa chứa xương khác ở Alberta. Công việc gìn giữ và thu thập vật liệu cũng trở nên dễ dàng hơn. Số lượng xương thuộc mọi lứa tuổi giúp quá trình điều tra tìm hiểu về tập tính và mô hình phát triển thuận lợi hơn”.
Vỉa chứa xương nói trên có chứa hóa thạch của cả khủng long con và những con đã già, cho phép các nhà nghiên cứu mô tả được sự khác biệt cũng như mô hình phát triển của từng con; từ đó tìm hiểu khả năng hình thành hiện tượng lưỡng tính đồng thời đưa ra giả thuyết về lối sống theo bầy đàn.
Ảnh 3D minh họa khung xương của khủng long Pachyrhinosaur lakustai. (Ảnh: Dự án khủng long Pipestone Creek) |
Theo Currie, với loài khủng long mới này các nhà nghiên cứu đã có thêm nhiều thông tin để giúp chúng ta hiểu được sâu sắc hơn về thế giới cổ đại và hệ sinh thái ở tây bắc Alberta vào thời điểm 73 triệu năm về trước. Currie cùng với Wann Langston và Darren H. Tanke đã cho đăng tải chuyên khảo với tiêu đề "A New Horned Dinosaur from an Upper Cretaceous Bone Bed in Alberta" trên tờ NRC Press (tạm dịch tiêu đề là “Loài khủng long mới có sừng phát hiện tại vỉa xương thượng kỷ Phấn Trắng tại Alberta”)
Theo Jack O'Toole, Chủ tịch dự án khủng long Pipestone Creek, nghiên cứu và chuyên khảo của Currie đã đưa khu vực Alberta trở thành trung tâm trong cộng đồng khoa học.
Ông giải thích: “Sự hợp tác giữa Trường Grande Prairie, Bảo tàng Tyrrell Hoàng Gia và Đại học Alberta đã giúp khám phá thêm nhiều địa điểm và hóa thạch trong khu vực mà chúng ta sinh sống. Nhờ có các nghiên cứu, hiện chúng ta đã hiểu biết sâu sắc hơn về sinh thái khu vực. Cộng đồng người dân tây bắc Alberta cũng rất hào hứng khi nơi đây sở hữu một nguồn nghiên cứu độc nhất vô nhị như thế này”.
Dự án khủng long Pipestone Creek hiện đang phát triển 3 nguồn phía bắc, nằm trong mạng lưới các địa điểm cổ sinh vật học thuộc khu vực nói chung, thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục và du lịch tầm cỡ thế giới nhằm mang lại lợi ích cho công đồng người dân địa phương, cho khu vực và cho cả đất nước Canada. Andrew Neuman, giám đốc điều hành Bảo tàng cổ sinh vật học Tyrrell Hoàng Gia, giải thích tầm quan trọng của khu vực như sau: “Cuộc khai quật tại Pipestone Creek mang lại cho chúng ta nhiều phẩn thưởng lớn. Công cuộc nghiên cứu tại một địa điểm chưa hề được biết đến trước đây nhưng lại nhiều vô số dấu tích của khung long đã cho thấy Alberta rất trù phú với các nguồn hữu ích cho ngành cổ sinh vật học”.