Loại sâu xuất hiện ở biển Vũng Tàu nguy hiểm thế nào?
Loài giun lửa thuộc nhóm sinh vật nguy hiểm, có lớp lông tơ canxi chứa độc tố, gây kích ứng, tổn thương da, chúng ăn các loài ốc, ngao.
Nhiều ngày nay, người dân tắm biển ở Vũng Tàu thấy xuất hiện một loài sâu biển, thân dài hơn 5 cm, bên ngoài có lông, nếu chạm vào rất ngứa. Một số bơi lơ lửng, hoặc chui xuống cát, dạt vào bờ kéo dài nhiều km ở biển Bãi Sau (Vũng Tàu).
Theo tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Phòng Sinh thái Tài nguyên Động vật biển, Viện Tài nguyên Môi trường Biển, đây có thể là loài thuộc lớp giun nhiều tơ, có tên khoa học Chloeia parva thuộc họ Amphinomidae, thường biết đến với cái tên "giun lửa", "giun biển" hoặc "sâu róm biển".
Ông Hà cũng cho biết: "việc loài giun lửa này xuất hiện dọc bờ biển không phải do môi trường bị ô nhiễm, mà đây là thời kỳ sinh sản và phát triển mạnh của chúng. Loài này thường sinh trưởng và phát triển mạnh khi nước bắt đầu ấm lên vào mùa xuân và mùa hè là thời kỳ sinh sản".
Sâu người dân bắt ở biển Vũng Tàu. (Ảnh: Trường Hà).
Loài giun lửa này phân bố chủ yếu ở vùng biển Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Chúng thường sống trong vùng triều đáy bùn, cát hay rạn san hô. Thức ăn chủ yếu là thịt, vì vậy chúng chủ động săn các loài động vật không có khả năng di chuyển hay di chuyển chậm như san hô, bọt biển, ốc, ngao...
Đặc điểm nổi bật của nhóm giun này là lớp lông tơ canxi phủ mặt ngoài cơ thể rất giòn và chứa độc tố. "Khi tiếp xúc với chúng, những chiếc lông tơ có vai trò như chiếc kim độc sẽ cắm vào phần thịt và giải phóng độc tố, gây đau nhức và ngứa rất khó chịu", TS Hà nói. Ông cho biết, để giảm mức độ tổn thương khi tiếp xúc có thể sử dụng băng dính phủ lên phần da bị đốt rồi gỡ ra, khi đó lông tơ của giun cũng sẽ bị kéo theo. Ngoài ra dùng rượu hay giấm hoặc chanh rửa vết thương cũng có thể giúp giảm đau và sưng.
Hiện các nhà khoa học Việt Nam đã có nghiên cứu hình thái học của loài giun lửa, tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng cần có các nghiên cứu cơ bản, toàn diện hơn về nhóm sinh vật nguy hiểm này.