Loài vật duy nhất nhìn bằng… chân
Vì không có mắt, nên các con nhím biển đã sử dụng các tế bào nhạy sáng có trong các ống tua tự như xúc tu ở chân của nó để cảm nhận và nhìn mọi thứ xung quanh.
Theo báo Daily Mail, tới nay nhím biển là loài vật duy nhất có thể nhìn mà không có mắt. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện chính các chân có những ống xúc tu cảm giác đi kèm đã giúp nhím biển có thể nhìn ở mức vừa đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của nó.
Nhím biển - (Ảnh: AFP).
Thực tế ai cũng biết khi bị đe dọa, nhím biển sẽ xù lông gai của nó để tự vệ. Nhưng làm thế nào để những con vật này biết chúng đang bị đe dọa khi không hề có mắt. Đó là câu hỏi từng làm đau đầu giới nghiên cứu sinh vật biển thế giới.
Phải tới năm 2011, các nhà khoa học mới phát hiện nhím biển có thể nhìn bằng chân của chúng. Nhưng nay, với kết quả nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Lund ở Thụy Điển còn biết được nhím biển có thể nhìn tốt ở mức nào.
Nhà nghiên cứu John Kirwan giải thích: "Nhím biển hiện là loài vật duy nhất đã được chứng minh có thể nhìn mà không có mắt. Chúng nhìn bằng cách sử dụng các tế bào nhạy sáng trong các chân dạng ống, tựa như các xúc tu và giống như các gai nhọn mọc trên khắp người. Bạn có thể nói rằng toàn bộ cơ thể một con nhím biển hợp lại thành một con mắt duy nhất".
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về khả năng nhìn của những con nhím biển lông dài, đặt ra cho chúng những bài "kiểm tra mắt" giống như con người. Theo đó, họ đặt những con nhím này vào một chiếc ống hình trụ được chiếu sáng và rất nhiều hình ảnh tối trên tường.
Khả năng nhìn của nhím biển rất hạn chế. (Ảnh: GETTY IMAGES).
"Bình thường, những con nhím biển có xu hướng di chuyển về phía các vùng tối tìm chỗ ẩn nấp. Khi tôi nhận ra chúng phản ứng với những hình ảnh có kích thước này mà không phải những kích thước khác, tôi có thể đo được mức độ "tinh tường" của chúng như thế nào" - nhà nghiên cứu Kirwan nói.
Ông đã chiếu nhiều hình ảnh khác nhau lên tường và sau đó bóng tối của những hình đó phủ lên các con nhím biển tương tự như một đối tượng săn mồi đang tiến tới con nhím.
Kế đó, ông Kirwan có thể tính được những bóng đen này bắt đầu bao trùm lớn tới mức nào thì con nhím biển mới có những động thái tự vệ bằng việc xù lông hướng về cái bóng phía trên.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng nhận ra khả năng nhìn của nhím biển rất hạn chế. Trong không gian 360 độ của môi trường bao quanh nhím biển, một vật phải che phủ ở góc chiếu từ 30-70 độ thì nhím biển mới phát hiện.
Trong khi đó thị giác của con người tốt hơn nhiều. Một vật chỉ cần rơi vào góc nhìn khoảng 1/60 độ, con người đã có thể phát hiện ngay.
"Tuy nhiên khả năng nhìn này là đủ cho nhu cầu và hành vi của con vật. Rõ ràng đó không phải là thị lực kém với một con vật không có mắt" - nhà nghiên cứu John Kirwan kết luận.