Lời cảnh báo từ tấm ảnh chụp con cá voi lưng gù tên Moon
Hình ảnh thân dưới bị cong bất thường của một con cá voi lưng gù tên Moon là lời nhắc nhở rõ ràng về mối nguy ngày càng tăng của tàu bè trên biển đối với cá voi.
Ngày 11/12, Guardian đưa tin các nhà khoa học phát hiện một con cá voi lưng gù cái có tên Moon đã hoàn thành cuộc hành trình dài 5.000 km từ vùng biển British Columbia đến Hawaii với chấn thương nặng trên lưng.
Hành trình vượt Thái Bình Dương sẽ khiến con cá voi lưng gù sớm phải đối mặt với cái chết sau khi bị gãy xương lưng.
Hình ảnh cá voi bị vẹo xương sống được các nhà khoa học chụp lại. (Ảnh: BC Whales).
Các nhà nghiên cứu tại trạm nghiên cứu trên đảo Fin hàng năm thường phát hiện ra Moon ăn các loài nhuyễn thể giàu chất dinh dưỡng tại vùng nước ven biển.
Nhưng vào tháng 9, máy bay không người lái đã chụp được ảnh một con cá voi lưng gù với vết thương nặng trên lưng. Toàn bộ phần dưới của thân cá bị uốn cong thành hình chữ S không tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu nhận ra đây là Moon và nhận định chấn thương trên là hậu quả của việc va chạm với tàu bè.
“Moon không sử dụng đuôi mà thực hiện động tác như bơi ếch để di chuyển. Điều này thật tuyệt vời nhưng cũng rất đau lòng”, Janie Wray, giám đốc điều hành và nhà nghiên cứu của BC Whales, cho biết.
“Đó là một khoảnh khắc sững sờ khi chúng tôi biết đó là Moon. Trông cô cá voi như bị vẹo cột sống, gây ra bởi một thứ gì đó khá kinh khủng. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy trong đời”, bà Wray mô tả.
Mặc dù bị thương nặng, vào ngày 1/12, Moon được phát hiện ngoài khơi bờ biển Maui, cách nơi các nhà nghiên cứu lần đầu ghi nhận vết thương hơn 4.800km.
Cá voi lưng gù có chiều dài khoảng 15m và nặng đến gần 40 tấn. Chúng thường thực hiện chuyến hành trình từ Alaska lạnh giá đến vùng nước ấm áp của Mexico và Hawaii để sinh sản.
Cá voi Moon gần đây đã xuất hiện ở vùng biển Hawaii với hình ảnh hốc hác và phủ đầy rận ký sinh. Điều này cho thấy nó đã sử dụng hết lượng mỡ dự trữ để thực hiện cuộc hành trình.
“Moon đang vật lộn với nỗi đau nhưng vẫn còn sống. Chúng tôi biết nó sẽ không quay lại gặp chúng tôi nữa và sẽ sớm qua đời. Tất cả chúng tôi đều mong điều đó diễn ra càng nhanh càng tốt để Moon được giải thoát”, bà Wray nói.

Nước biển ấm lên làm thoái hóa các rừng tảo bẹ
Các rừng tảo bẹ trên toàn thế giới đang thoái hóa do nhiệt độ đại dương tăng. Một nhóm các nhà nghiên cứu New Zealand đang nỗ lực khôi phục môi trường sống quý giá này.

Loài tôm Nam Cực bị ăn mất 300 triệu tấn mỗi năm vẫn không tiệt chủng
Tính đến hiện tại, tôm Nam Cực “tự tin” đảm bảo rằng chúng không bị ăn hết.

Phát hiện kỳ thú về các sát thủ đại dương: Bơi mỏi rồi, cá mập chuyển sang "đi bộ" dưới đáy biển
Loài cá mập miệng bản lề có khả năng uốn cong vây để “đi bộ" và tìm kiếm thức ăn dưới đáy biển.

Cận cảnh 5 loài động vật kỳ lạ nhất được tìm thấy ở Nam Cực
Nam Cực được biết đến là một trong những nơi lạnh nhất và có khí hậu khắc nghiệt nhất của Trái đất.

Các nhà nghiên cứu phát hiện nghĩa địa cá mập dưới đáy Ấn Độ Dương
Các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu RV Investigator phát hiện số lượng lớn hóa thạch của cá mập dưới đáy biển thông qua sử dụng lưới vét.

Cá đuối thể hiện kỹ năng chơi bóng tuyệt đỉnh
Đoạn video vui cho thấy cá đuối yêu bóng đá thể hiện kỹ năng chơi bóng trong thủy cung ở London, Anh.
