Lượng vật liệu ngoài hành tinh khổng lồ trên sa mạc Iran
Các nhà khoa học Nga tìm thấy một lượng lớn vật liệu từ mảnh vụn sao băng có thể ra đời từ khi hệ Mặt Trời hình thành cách đây 4,5 tỷ năm.
Viktor Grokhovsky dẫn đầu đoàn thám hiểm đến sa mạc Lut ở Iran và trở về với 13kg vật liệu ngoài hành tinh, Sputnik News hôm 10/2 đưa tin. Điều kiện khô cằn và quang cảnh đặc trưng của sa mạc giúp bảo tồn vật chất từ thiên thạch có nguồn gốc từ sự hình thành hệ Mặt Trời cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.
Các nhà khoa học Nga tìm thấy 13kg vật liệu ngoài hành tinh trên sa mạc Lut. (Ảnh: Flickr).
Nhóm nghiên cứu gồm 4 nhà địa chất học từ Đại học Liên bang Ural khởi hành đến sa mạc Lut để tìm kiếm dấu tích của sao băng, tương tự thiên thạch bốc cháy thành cầu lửa trên bầu trời thị trấn Chelyabinsk, Nga, năm 2013. Họ tìm thấy 13kg vật liệu giống sao băng, với khoảng 80% mẫu vật có thể có nguồn gốc ngoài hành tinh.
Theo các nhà nghiên cứu, những mảnh vụn đến từ cùng một trận mưa sao băng, ít nhất 10 - 70 mẫu vật họ thu thập thuộc cùng một loại sao băng. Một nửa số mảnh vụn được các đồng nghiệp của Grokhovsky ở Đại học Kerman bảo quản, trong khi một nửa được mang về phòng thí nghiệm Extra Terra Consortium ở Nga để nghiên cứu.
"Hiện tại, các mẫu vật đang được đo đạc và phân loại. Để xác định niên đại của những mảnh vụn tìm thấy, các nhà khoa học sẽ phải cân nhắc thời gian một mảnh vụn hình thành trong vũ trụ, thời gian nó tách khỏi thiên thể mẹ và thời gian nó trải qua trên Trái Đất. Dựa vào đồng vị phóng xạ, chúng tôi có thể tìm ra độ tuổi của thực thể ngoài không gian dưới dạng thiên thạch của sao băng", Grokhovsky nói.