Mảnh vỡ tên lửa 22 tấn của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương
Tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B lao qua khí quyển Trái đất và rơi xuống biển Philippines vào chiều ngày 30/7.
Tên lửa Trường Chinh 5B cất cánh hôm 24/7 từ Văn Xương, Hải Nam. (Ảnh: CGTN)
Cơ quan bay vũ trụ của Trung Quốc thông báo xác tên lửa Trường Chinh 5B đâm xuống Trái đất ở vùng biển phía tây nam Philippines thuộc Ấn Độ Dương hôm 30/7 và đại đa số mảnh vỡ bốc cháy trong quá trình hồi quyển, theo South China Morning Post. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ nhấn mạnh chưa có thông tin về đường bay của mảnh vỡ từ tên lửa đẩy này.
"Trung Quốc không chia sẻ thông tin cụ thể về đường bay khi tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái đất", giám đốc NASA Bill Nelson cho biết. "Mọi quốc gia cần tuân thủ quy định và chia sẻ thông tin này để có thể dự đoán chính xác nguy cơ va chạm từ mảnh vỡ, đặc biệt đối với tên lửa đẩy hạng nặng như Trường Chinh 5B, có thể gây ra tổn thất to lớn về sinh mạng và tài sản".
Giới chuyên gia tính toán khả năng gây thương tích hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng của Trường Chinh 5B khá thấp. Phần thân tên lửa bay theo quỹ đạo hình elip quanh Trái đất và bị lực hút khí quyển kéo xuống dẫn tới quá trình rơi mất kiểm soát, theo Aerospace Corp, tổ chức phi lợi nhuận ở El Segundo, California, chuyên tư vấn kỹ thuật cho các nhiệm vụ không gian.
Các chuyên gia dự đoán tuy phần lớn tên lửa Trường Chinh 5B bốc cháy trong lúc rơi qua khí quyển Trái đất, những mảnh vỡ lớn chiếm tới 40% trọng lượng có thể sót lại và rơi xuống biển hoặc đất liền. Một số dự đoán cho thấy tên lửa có thể bay qua nhiều nơi ở Mexico và Brazil, lướt qua mũi Hảo Vọng trước khi rơi xuống đất liền ở Đông Nam Á.
Đây là lần rơi mất kiểm soát thứ ba của một tên lửa đẩy Trung Quốc trong nhiều năm qua. Hồi tháng 5/2021, mảnh vỡ của một tên lửa Trường Chinh rơi xuống Ấn Độ Dương. Tên lửa Trường Chinh 5B với tầng lõi nặng khoảng 22,5 tấn cất cánh hôm 24/7 chở một trong những khối hàng nặng nhất trong thời gian gần đây, module Vấn Thiên thuộc trạm vũ trụ Trung Quốc.
- Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất
- "Thiên hà ma" trong hình ảnh lọc màu từ kính James Webb
- Bán hành tinh cổ đại "từ hư không" hiện hình gần Trái đất