Mặt trời "dội nước" xuống Trái đất, tạo ra đại dương?
Mặt trời, hay cụ thể là gió Mặt trời có thể chính là nguồn cung cấp hạt mầm cho các đại dương của Trái đất, cũng là điều kiện cho mọi sinh vật và chính chúng ta được ra đời.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi giáo sư Phil Bland, giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ vũ trụ từ Đại học Curtin (Úc) khẳng định một phần lớn nước trên Trái đất có nguồn gốc từ Mặt trời.
Itokawa và Mặt trời trong thuở Trái đất còn sơ khai - (Ảnh đồ họa từ Đại học Curtin)
Theo Sci-News, quá trình "dội nước" xuống Trái đất xảy ra khi hành tinh của chúng ta còn sơ khai, trong giai đoạn hình thành. Gió Mặt trời mang theo các hạt Mặt trời, chủ yếu được tạo ra từ các ion hydro, chính là thứ tạo ra nước trên bề mặt các hạt bụi bám quanh các tiểu hành tinh. Các tiểu hành tinh lại va đập vào Trái đất, mang theo nước.
Sử dụng phương pháp chụp cắt lớp thăm dò nguyên tử, giáo sư Bland và các cộng sự đã phân tích một hạt olivin từ tiểu hành tinh gần Trái đất Itokawa. Mẫu từ tiểu hành tinh này đã được tàu vũ trụ Hayabusa của JAXA (Nhật Bản) thu thập và đem về Trái đất từ năm 2021.
Kết quả cho thấy các hạt bụi không gian này ngậm nước nhiều đến nỗi có thể chiết ra tận 20 lít nước trong mỗi mét khối đá.
Như chúng ta đã biết, nước trên Trái đất chỉ nằm chủ yếu ở khu vực bề mặt và lớp phủ, chiếm một phần rất nhỏ trong thành phần của hành tinh. Số nước này được cho là từ các tiểu hành tinh và sao chổi cổ đại mang đến, vì nhiều bằng chứng cho thấy địa cầu sơ khai đã hứng chịu mưa thiên thạch suốt một giai đoạn dài, đủ để đem đến số lượng nước cho toàn bộ các đại dương, sông hồ ngày nay.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Astronomy.