Miền Trung có thể bị sóng thần trên 10m
“Quảng Ngãi và Nha Trang có nguy cơ bị sóng thần cao trên 10m nếu xảy ra động đất mạnh 9,2 độ Richter ở rãnh nước sâu Manila” - TS Lê Huy Minh nhận định tại buổi thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tổ chức ngày 15-5 ở Đà Nẵng.
Giả định động đất 8,8 độ Richter gây sóng thần
Tình huống giả định được đặt ra tại buổi thử nghiệm là phía tây Philippines (cách miền Trung nước ta từ 1.800- 2.000 km) xuất hiện trận động đất 8,8 độ Richter gây sóng thần và dự kiến trong vòng 2 giờ sau, sóng thần sẽ ập vào miền Trung.
Các chiến sĩ Trung đoàn Thông tin 575 diễn tập sơ tán tại buổi thử nghiệm.
Khi nhận được thông tin trên, trong vòng 2 phút, Viện Vật lý địa cầu phát tin động đất tại Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần; đồng thời tại các trạm trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống còi đèn báo tín hiệu sẽ hụ lên.
Cùng lúc đó, thông tin động đất được nhắn tới các thuê bao di động theo danh bạ được chuẩn bị trước, rồi tiếp đó truyền tới hệ thống phát thanh trong bán kính khoảng 2km (đối với tháp cảnh báo) và thông qua hệ thống truyền thanh sẵn có của quận, huyện, phường.
Sau 8-10 phút, bản tin số hai về cảnh báo sóng thần sẽ phát đi, yêu cầu di chuyển, sơ tán, đồng thời nhắn bản tin thứ hai đến các thuê bao di động, đài phát thanh. Công tác sơ tán sẽ do lực lượng bộ đội chịu trách nhiệm. Tiếp đến là bản tin số ba báo an qua hệ thống SMS và phát thanh công cộng, trạm trực canh cảnh báo sóng thần.
Sau buổi thử nghiệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã sớm đưa hệ thống trạm trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng vào thử nghiệm.
“Hai đơn vị cần sớm xây dựng đề án cụ thể về hệ thống cảnh báo sóng thần toàn quốc để sớm triển khai, giảm thiểu thiệt hại về người và của khi sóng thần xảy ra” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (phải) và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (trái) đang theo dõi thử nghiệm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Viettel cần mở rộng diện nhận tin nhắn sóng thần ra toàn bộ điện thoại di động trong khu vực có nguy cơ. Đồng thời, cần kết nối hệ thống cảnh báo sóng thần với phòng chống lụt bão để công tác thông báo, di dời dân đạt được kết quả cao nhất.
Nguy cơ sóng thần tại Việt Nam là hiện hữu!
Theo TS Lê Huy Minh (Viện Vật lý Địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tới thời điểm này chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần từng ảnh hưởng tới vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu, có 8 nguồn động đất ở biển Đông và vùng lân cận có thể gây sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam, bao gồm Riukiu (Đài Loan), đới hút chìm Manila, Biển Sulu, Biển Celebes, Biển Ban Đa, Bắc biển Đông, Palawan và Tây biển Đông.
“Các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển này đều có khả năng gây ra sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam” – TS Minh nhấn mạnh.
8 nguồn động đất có thể gây sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam. Nguồn: Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Có nguy cơ cao nhất là đới hút chìm Manila. Động đất 8,3 độ Richter tại đây có thể tạo sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Nếu mạnh 9,2 độ Richter thì sóng thần ở Quảng Ngãi sẽ cao 10,6m và ở Nha Trang là 5m. Sóng thần đi từ rãnh nước sâu Manila tới bờ biển Việt Nam mất khoảng 2 giờ sau khi xảy ra động đất. Gần đây, vào ngày 26-5-2006, khu vực này đã xảy ra động đất 8,2 độ Richter nhưng rất may không gây sóng thần.
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương (Viện Vật lý Địa cầu) cũng cho biết mặc dù ít bị tổn thương bởi động đất nhưng lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại đứt gãy hoạt động phức tạp, như: Lai Châu- Điện Biên, sông Mã, sông La, sông Hồng, sông Cả...
Từ đầu năm 2011 đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra gần 10 trận động đất, như động đất 4,7 độ Richter ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết ngày 27-1 và 6-3, loạt động đất nhỏ hơn 4,2 độ Richter tại Lai Châu ngày 25, 26 và 28-4. Gần đây nhất là động đất mạnh 4,2 độ Richter ở khu vực sông Mã (Sơn La).
TS Lê Huy Minh trình bày về nguy cơ sóng thần ở Việt Nam
Viettel cho biết đến thời điểm này đã xây dựng xong hệ thống thử nghiệm gồm 10 trạm cảnh báo sóng thần tại TP Đà Nẵng, trong đó 2 trạm tại 2 đài trực canh Đồn Biên phòng Sơn Trà và Trung đoàn thông tin 575, 2 trạm cảnh báo tự động tại Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn và quận Liên Chiểu, và 6 trạm bán tự động tại các xã, phường, khách sạn Furama. Ngoài ra, Viettel cũng kết nối thành công hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý Địa cầu với hệ thống điều khiển, quản lý cảnh báo tập trung tại Viettel. |