Misophonia: Hội chứng kỳ lạ khiến người mắc “dị ứng” với tiếng nhai chóp chép và cả tiếng thở
Hãy tưởng tượng bạn đang nghe ai đó nhai một miếng kẹo cao su và cảm thấy âm thanh đó thực sự ghê tởm và khiến bạn tức giận, hoảng loạn. Tất nhiên đó không phải căn bệnh nào mà là một hội chứng hiếm gặp có tên Misophonia.
Chúng ta có thể quen với những thứ âm thanh gây khó chịu như tiếng nhai chóp chép một thứ gì đó nhưng với những người mắc hội chứng Misophonia, đó quả là một cực hình.
Theo Odditycentral, Misophonia hay còn được gọi là Hội chứng nhạy cảm âm thanh có chọn lọc. Hội chứng này được mô tả là phản ứng cảm xúc hay sinh lý mạnh mẽ của một người khi nghe phải những âm thanh khó chịu, thường do con người tạo ra như âm thanh phát ra khi một ai đó cắn món ăn giòn tan, tiếng click của chuột hay bàn phím, tiếng gõ cửa hay thậm chí cả tiếng thở thôi cũng khiến người mắc hội chứng Misophonia cảm thấy phiền toái.
Tức giận là phản ứng phổ biến của người mắc hội chứng này. Tuy nhiên các phản ứng khác như lo lắng hoặc cảm thấy ghê tởm cũng có thể xảy ra. Những cảm xúc tiêu cực này thường đi kèm với việc giải phóng hormone adrenaline. Loại hormone này có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như tăng nhịp tim, run rẩy, đổ mồ hôi. Điều này khiến cho những người mắc Misophonia luôn khổ sở khi phải nghe những âm thanh rất đỗi quen thuộc này.
Người mắc hội chứng misophonia khổ sở vì "dị ứng" với nhiều âm thanh quen thuộc trong cuộc sống
Margot Noel, 28 tuổi, một người mắc hội chứng misophonia đến từ Vương quốc Anh gần đây có chia sẻ đôi điều về những gì mà cô đã trải qua khi mắc phải hội chứng này. Noel cho biết, cô cảm thấy dị ứng với các âm thanh như tiếng ăn các thực phẩm giòn, tiếng thì thầm, nhấp lưỡi, tiếng nhấn bút bi và bẻ khớp ngón tay. Không phải vì cô không thích những âm thanh đó mà vì không thể chịu được các âm thanh khó chịu ấy vang bên tai.
Noel chia sẻ: "Thứ âm thanh đó khiến tôi phải bật khỏi ghế và tôi sẽ phải làm gì đó để khiến nó dừng lại. Âm thanh như thể tiếng bẻ khớp tay không phải là thứ âm thanh mà tôi không thích. Nó còn hơn thế nữa vì nó thực sự rất khác. Khi nghe thứ âm thanh đó, tôi luôn cảm thấy lo lắng tột độ. Hoặc đột nhiên tôi cảm thấy bị ngợp và không thể nghĩ được thứ gì khác. Nếu một ai đó cầm súng và chĩa vào phía tôi, có lẽ tôi cũng sẽ có cảm giác như vậy".
Margot Noel đã phải đối phó với hội chứng này từ khi còn bé. Khi đó người em trai biết chị mình không thể chịu được những âm thanh như vậy nên đã liên tục nhấp lưỡi mỗi khi đối phó với người chị.
Tiếng ống hút cũng sẽ khiến những người mắc hội chứng misophonia cảm thấy khó chịu
Tiếng nhấn bút cũng vậy
Tiếng vò các loại túi hoàn toàn có thể gây ra tình trạng lo lắng cho người mắc misophonia
Tiếng click bàn phím
Và cả tiếng bạn ăn các món ăn giòn tan cũng rất nguy hiểm với người mắc misophonia
Cô từng chia sẻ với bạn bè, người thân về việc mắc hội chứng này và nói với họ rằng, đó không phải là lỗi của họ. Noel cho biết, cô không muốn vì vấn đề của bản thân mà làm khó tất cả mọi người.
Noel biết về hội chứng đang mắc phải cách đây 3 năm trước sau khi xem một vở kịch. Khi đang thưởng thức vở kịch, cô đột nhiên nghe thấy tiếng thở của một ai đó như thể sắp chết. Nó khiến cô ấy mất tập trung vào vở kịch. Khi về nhà, cô đã tìm hiểu các tài liệu về hội chứng đang mắc phải để biết tình trạng của bản thân.
Sau khi biết bị mắc hội chứng Misophonia, Noel đã liên hệ với một trong những nhà khoa học nghiên cứu hội chứng này và có điều kiện trải qua bài kiểm tra 6 giai đoạn để đo phản ứng của cô trước âm thanh. Đáng tiếc, Noel chỉ vượt qua được 2/6 bài kiểm tra trước khi mọi chuyện trở nên quá giới hạn.
Hàng ngày Noel thường phải đeo nút tai hoặc tai nghe để chặn các âm thanh ngoài đường có thể khiến cô như bị phát điên. Khi xem phim, cô ấy phải bịt tai lại mỗi khi nghe thấy những tiếng kêu hoặc tiếng thì thầm trong phim. Ngay cả khi vào rạp chiếu phim, Noel cũng thường hỏi ướm trước những người xung quanh để tránh những tác động do hội chứng Misophonia gây ra.
Hay như trường hợp của nữ sinh trung học Ellie Rapp, sống tại Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ. Cô cũng bị mắc hội chứng này và luôn cảm thấy tim đập nhanh, bực tức hoặc khóc khi nghe phải những âm thanh gây khó chịu. Rapp thậm chí còn cho rằng, thứ âm thanh đó thậm chí có thể giết chết cô.
Rapp cho biết, cô đã trải qua cảm giác này kể từ khi mới chập chững biết đi. Lúc đó khi đi từ trường mầm non về nhà, mẹ cô bật radio lên và hát thì bỗng nhiên Rapp hét lên và khóc nấc. Tất cả bạn bè và người thân của Rapp gần như khá bối rối khi phải đối diện với Rapp vì không biết lúc nào sẽ khiến cô cảm thấy khó chịu với những tiếng động quen thuộc hàng ngày của họ.
Đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có một phương pháp chữa trị nào cho hội chứng này.