Mối lo về siêu dự án thủy điện của Trung Quốc
Giới chuyên gia cảnh báo kế hoạch xây siêu đập thủy điện của Trung Quốc trên dãy Himalaya có thể đe dọa hệ sinh thái và các nước láng giềng.
Theo Kế hoạch 5 năm chiến lược lần thứ 14 được công bố vào tháng trước, Trung Quốc có dự định xây dựng một con đập khổng lồ ở khu tự trị Tây Tạng, với khả năng sản xuất điện nhiều gấp ba lần đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay trên sông Trường Giang.
Sông Yarlung Tsangpo, nhánh thượng nguồn của Brahmaputra ở Medog, Tây Tạng. (Ảnh: AFP).
Siêu đập mới sẽ bắc qua sông Brahmaputra ở huyện Medog, thuộc địa khu Nyingchi của Tây Tạng. Đây là một trong những con sông lớn nhất châu Á với tổng chiều dài hơn 3.800km. Nó khởi nguồn từ dãy Himalaya ở Tây Tạng, sau đó chảy qua Ấn Độ, Bangladesh và cuối cùng đổ ra vịnh Bengal.
Bắc Kinh nhấn mạnh dự án này là một giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch thân thiện với môi trường, nhưng nó có nguy cơ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động vì môi trường và quốc gia láng giềng.
"Xây dựng một con đập có kích thước siêu lớn là ý tưởng thực sự tồi tệ vì nhiều lý do", Brian Eyler, Giám đốc chương trình năng lượng, nước và tính bền vững tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, chia sẻ.
Ngoài mối lo về hoạt động địa chấn, khu vực sông Brahmaputra còn chứa đựng sự đa dạng sinh học độc đáo. Con đập sẽ ngăn chặn quá trình di cư của cá, cũng như dòng chảy phù sa làm màu mỡ đất trong các trận lũ lụt theo mùa ở vùng hạ lưu.
Bên cạnh đó, hàng triệu cư dân sống dọc sông Brahmaputra có thể sẽ phải di dời tới nơi ở mới, giống như những gì đã xảy ra với dự án đập Tam Hiệp. Các chuyên gia cảnh báo hoạt động địa chấn có thể biến hồ chứa phía trong đập thành một "quả bom nước" đối với cư dân ở hạ lưu.
Trước thông tin về siêu dự án thủy điện mới của Trung Quốc, Ấn Độ đã bảy tỏ sự lo lắng. Chính phủ nước này thậm chí đang tính đến việc xây dựng một con đập khác ở hạ nguồn sông Brahmaputra để dự trữ nước.
"Vẫn còn nhiều thời gian để Ấn Độ đàm phán với Trung Quốc về tương lai của siêu đập và những tác động của nó. Một kết quả tồi tệ sẽ phải chứng kiến thêm một con đập khác được xây dựng ở hạ lưu", nhà khoa học chính trị Brahma Chellaney viết trên tờ Times of India.
- Lăng mộ chôn 4 bộ hài cốt trẻ em dưới 4 góc tiết lộ hủ tục mai táng tàn ác, bất nhân
- Có gì bên trong loại mật ong đắt đỏ nhất hành tinh?
- Trực thăng NASA chụp bức ảnh màu đầu tiên trên sao Hỏa