Mối nguy hiểm từ sự trỗi dậy của các loại virus mới
Các nhà khoa học dự đoán sau Covid-19, nhiều loại virus mới sẽ phát triển hoặc mầm bệnh cũ trỗi dậy, đặt ra thách thức với nhân loại.
Trung Quốc đã xác định 35 người lây nhiễm loại virus mới họ Henipa, có tên Langya, hoặc LayV, hôm 3/8. Virus được cho là bắt nguồn từ chuột chù, dường như không có khả năng lây truyền từ người sang người. Nhờ hệ thống cảnh báo sớm, các nhà khoa học biết về loại virus này khi nó chưa trở thành dịch bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cộng đồng không nên mất cảnh giác. LayV chỉ là một trong rất nhiều virus lây lan từ động vật sang người. Khoảng 60% đến 75% các bệnh truyền nhiễm hiện nay có nguồn gốc từ động vật. Nhiều nhà khoa học dự đoán dịch bệnh tiếp theo cũng là virus lây truyền từ động vật sang người và đây là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại.
Khi Trái đất nóng lên, con người xâm nhập vào môi trường sống hoang dã, các loài động vật phải di cư và sẽ tiếp xúc gần với các loài mới. Điều này tạo cơ hội cho các mầm bệnh thích nghi và tiến hóa, cuối cùng lây lan cho người. Báo cáo gần đây cho thấy trong kịch bản Trái đất ấm lên, 15.000 loại virus mới sẽ xuất hiện trong số 3.000 động vật có vú vào năm 2070.
Một số bệnh lây truyền từ động vật sang người khác gây chú ý, chẳng hạn đậu mùa khỉ và Covid-19. Nhiều căn bệnh không bắt nguồn từ động vật, tưởng chừng ngủ yên hàng chục năm đột ngột trỗi dậy, chẳng hạn bại liệt, trở thành lời cảnh tỉnh, cung cấp bài học cho toàn thế giới.
nCoV là chủng mới nhất trong họ virus corona. (Ảnh: Japan Times).
Tháng 7, Mỹ báo cáo trường hợp bại liệt đầu tiên trong gần một thập kỷ là một người phụ nữ người Israel bị liệt từ tháng 3. Virus cũng được tìm thấy trong nước thải ở London, Anh, khiến tất cả trẻ em dưới 10 tuổi phải tiêm chủng.
Đây là tình trạng đáng lo ngại, đặc biệt khi một quan chức y tế ở New York cảnh báo khu vực này có thể có hàng trăm trường hợp bại liệt chưa được chẩn đoán.
Đối với đậu mùa khỉ, Mỹ đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Về lý thuyết, nước này có tất cả các công cụ phù hợp để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine. Tuy nhiên, tất cả bị hạn chế một cách đáng ngạc nhiên.
Nguồn cung vaccine Jynneos ngăn ngừa đậu mùa khỉ gần như không đủ để trang trải cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Vì vậy, quốc gia áp dụng chiến lược mới, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Người dân sẽ được sử dụng liều lượng vaccine nhỏ hơn, bằng một phần năm so với thông thường, tiêm trên bề mặt da thay vì dưới da. Như vậy, 440.000 liều vaccine còn lại sẽ tiêm được 2,2 triệu mũi.
Theo Lisa Jarvis, chuyên gia y tế của Bloomberg, vấn đề là chiến lược này chỉ dựa trên nghiên cứu duy nhất, xuất bản năm 2015. Nếu Mỹ thực sự theo đuổi kế hoạch trên, giới chức y tế cần chứng minh vaccine vẫn hiệu quả khi tiêm liều thấp.
Trong khi đó, Covid-19 tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi vì biến chủng mới. Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải hiện tượng này, song đây là câu hỏi cần trả lời khi thế giới bước vào mùa đông. Giả thuyết đưa ra là virus lây lan giống cháy rừng, tự lụi tắt khi hết nguồn nhiên liệu. Khi hầu hết người dân đã có miễn dịch từ nhiễm bệnh tự nhiên hoặc tiêm vaccine, dịch có thể tạm thời hết lây nhiễm.
Thực tế, miễn dịch cộng đồng chỉ là hàng rào bảo vệ mang tính thời vụ. Hành vi của dân cư và nhân khẩu học là bức tường để ngăn chặn dịch bệnh quay lại. Các nhà khoa học nỗ lực thu thập dữ liệu từ nước thải và xét nghiệm giám sát để có bức tranh rõ nét hơn về lý do vì sao các làn sóng Covid-19 lên xuống liên tục, nhằm ngăn chặn hoàn toàn đợt bùng phát tiếp theo.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Covid-19 hiện đã giảm độ nguy hiểm. Các nghiên cứu về nước thải chỉ ra rằng virus vẫn lây nhiễm với quy mô lớn như mùa đông năm ngoái, nhưng số ca tử vong và nhập viện ít hơn nhiều. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang nới lỏng các hướng dẫn phòng dịch, không còn khuyến cáo người lớn và trẻ em tự cách ly sau khi tiếp xúc với nguồn lây.
Trong lúc đó, các nhà khoa học vẫn phải theo dõi mầm bệnh tiếp theo sẽ bùng phát, cho dù đó là một biến chủng nCoV mới, hoặc một virus cũ tái bùng phát hay là một virus hoàn toàn mới.