Mũ giáp hơn 1.000 năm tuổi từ thời Viking
Chiếc mũ giáp từ thời Viking được làm bằng sắt nhưng đã rỉ sét và hư hại sau thời gian dài vùi dưới lòng đất.
Chiếc mũ giáp từ thời Viking bị hư hại. Ảnh: BBC.
Tiến sĩ Chris Caple tại Đại học Durham cùng các cộng sự nghiên cứu niên đại của một chiếc mũ giáp cổ xưa và kết luận đây là mũ giáp Viking từ thế kỷ 10, BBC hôm 9/8 đưa tin. Đây là mũ giáp đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy ở Anh và là mũ giáp Viking gần hoàn chỉnh thứ hai trên thế giới, chiếc còn lại nằm ở Gjermundbu, Na Uy.
Các công nhân phát hiện chiếc mũ giáp cổ xưa trong quá trình đào đất để lắp đặt ống thoát nước tại thị trấn Yarm, Stockton-on-Tees, từ những năm 1950. Nó được trưng bày tại Bảo tàng Công viên Preston từ năm 2012. Trước nghiên cứu của Caple, niên đại của chiếc mũ gây ra nhiều tranh cãi.
Nhóm nhà khoa học sử dụng bằng chứng thu được từ các phát hiện gần đây, kết hợp với phân tích kim loại và tình trạng hư hại để tìm hiểu quá khứ của mũ giáp. Nghiên cứu của Caple xuất bản trên tạp chí Medieval Archaeology.
"Đây là dự án nghiên cứu đầy thách thức vì lớp sắt mỏng giờ rất dễ hư hại. Nó phải được bảo quản trong môi trường thật khô. Nghiên cứu không chỉ nhằm xác định năm chế tạo chiếc mũ mà còn tìm hiểu xem nó tồn tại như thế nào cho đến những năm 1950", Caple chia sẻ.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy, ban đầu mũ giáp được bảo quản trong môi trường ngập nước. Sau đó, nó bị ăn mòn và bắt đầu mục ruỗng. May mắn là người ta đã phát hiện chiếc mũ trước khi nó hoàn toàn hư hại", ông bổ sung.