Mỹ, Nga chọn người làm "chuột bạch" trên quỹ đạo
Hai phi hành gia sẽ bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vào năm 2015 và sống ở đó trong một năm, thời gian làm việc lâu nhất của con người trong lịch sử của trạm.
Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) hôm qua thông báo hai phi hành gia Mikhail Korniyenko (Nga) và Scott Kelly (Mỹ) sẽ bay lên ISS bằng tàu Soyuz của Nga vào năm 2015, AP đưa tin. Đây là cặp phi hành gia đầu tiên làm việc trên ISS trong 12 tháng.
Scott Kelly, phi hành gia người Mỹ từng làm phi công chiến đấu của hải quân, tin rằng chuyến bay vào năm 2015 của ông có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của ngành công nghiệp vũ trụ.
"Mục tiêu của chuyến bay trong thời gian một năm là kiểm tra những phản ứng của cơ thể người và khả năng thích nghi của chúng ta đối với những điều kiện khắc nghiệt trong vũ trụ. Nó sẽ giúp chúng tôi giảm nguy cơ trong những chuyến bay tới quỹ đạo mặt trăng, các thiên thạch và thậm chí sao Hỏa", Roscosmos tuyên bố.
Korniyenko và Kelly từng làm việc trên ISS trong 6 tháng với tư cách là kỹ sư vào năm 2010. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn chọn những phi hành gia từng sống trên ISS để giảm thời gian tập luyện cho chuyến bay một năm. Vì thế họ chỉ xem xét vài ứng cử viên. Quá trình tập luyện của hai người sẽ bắt đầu từ năm sau.
ABC News bình luận rằng, với việc sống trên quỹ đạo trong một năm, vai trò của Korniyenko và Kelly sẽ giống hệt những con "chuột bạch" trong các thí nghiệm khoa học.
Phi hành gia Mikhail Korniyenko (sinh năm 1960) thư giãn cùng
những quả cà chua trên ISS vào năm 2010. (Ảnh: Roscosmos)
Hiện nay thời gian làm việc tối đa của mỗi phi hành gia trên ISS là 6 tháng. Các bác sĩ lo ngại môi trường không trọng lượng sẽ tác động xấu tới thị lực, xương và hệ tim mạch của các phi hành gia nếu họ sống quá lâu trong không gian.
Ông Vladimir Popovkin, giám đốc Roscosmos, tiết lộ rằng tuyển chọn phi hành gia cho chuyến bay là công việc khó khăn. Cuối cùng NASA và Roscosmos quyết định chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao nhất. Theo ông, Korniyenko và Kelly là hai người có tâm huyết lớn nhất đối với công việc trên ISS.
Đây sẽ là chuyến bay vũ trụ lâu nhất do một phi hành hành gia Mỹ thực hiện. Kỷ lục bay lâu nhất trong không gian thuộc về Valery Polyakov, một phi hành gia người Nga. Ông từng làm việc trong trạm không gian Mir của Nga trong 438 ngày từ năm 1994 tới năm 1995. Michael Lopez-Alegria là phi hành gia Mỹ bay lâu nhất trong vũ trụ. Nhà du hành này làm việc trên ISS trong 215 ngày vào năm 2006 và 2007.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.

Những hiện tượng kỳ lạ chỉ có thể thấy trong vũ trụ
Trên Trái đất có rất nhiều hiện tượng tự nhiên vô cùng kỳ lạ mà có thể bạn chưa bao giờ được thấy như: hiện tượng cầu vồng lửa, thủy triều đỏ hay hiện tượng sét đánh trúng núi lửa.

Vụ nổ Big Bang là gì?
Vũ trụ là gì? Một câu hỏi lớn đã từng đặt ra trước nhân loại suốt bao nhiêu thế kỷ. Thời xưa ở Trung Hoa cổ đại, nhà triết học Lão Tử đã cho vũ trụ là một tồn tại "vô thuỷ, vô chung, vô cùng, vô tận".

Những điều ít biết về các phi hành gia
Cuộc sống bên ngoài không gian đem lại cho các nhà du hành vũ trụ những điều kì thú như ngắm mặt trời mọc 16 lần một ngày, cao nhanh hơn và không ngáy khi ngủ...
