Na Uy "xẻ thịt" các giàn khoan dầu cũ như thế nào?
Những giàn khoan dầu cũ kĩ, từng là biểu tượng hùng vĩ của thời đại nhiên liệu hóa thạch, sẽ được tái sinh tại "nghĩa trang" công trường xây dựng ở tây nam Na Uy để phục vụ vai trò mới trong nền kinh tế vòng tròn.
Cụ thể, ba mô-đun khổng lồ và lỗi thời, có trọng lượng tổng cộng 40.000 tấn vật liệu, sẽ được tháo dỡ và thu nhỏ thành từng mảnh, sau đó được tái chế 98%.
Nhổ giàn khoan dầu Gyda khỏi mặt biển.
Quản lý cấp cao của Aker Solutions - tập đoàn chuyên xây dựng các công trình dầu khí và chịu trách nhiệm xử lí các mô-đun, Sturla Magnus cho biết: “Nếu bạn quay lại đây sau một năm rưỡi nữa, bạn sẽ không còn thấy gì cả”.
Hiện tập đoàn đang xử lí ba khối tài sản lớn: giàn khoan dầu Gyda (đã ngưng hoạt động vào năm 2020) và hai giàn khoan đã ngưng hoạt động của mỏ dầu Valhall.
Sau khi đã tiến hành kiểm tra an toàn, các thiết bị điện và chất liệu nguy hiểm như amiang sẽ được loại bỏ. Còn phần sót lại, những chiếc vỏ máy rỗng khổng lồ, sẽ được chuyển vào máy cắt.
Hàng chục nghìn tấn thép chất lượng cao từ vỏ máy có thể được tái sử dụng trong các giàn khoan dầu mới, công trình công nghiệp hoặc thậm chí là tuabin gió ngoài khơi.
Giám đốc dự án tháo dỡ Thomas Nygård giải thích: "Đó là dòng thép chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Biển Bắc. Nói cách khác, đó là loại thép tốt nhất".
Ngày nay, cộng đồng đề cao xu hướng tái chế của các công ty qua việc xây dựng lắp đặt nhiều cơ sở hạ tầng dầu khí hơn là phá dỡ.
Theo nhiều ước tính khác nhau, một kilogram thép tái chế sẽ có độ phát thải khí nhà kinh (KNK) ít hơn 58-70% so với một kilogram thép hoàn toàn mới.
10.000 công trình cần được tháo dỡ
Vì Biển Bắc là một trong những nơi khai thác hydrocarbon lâu đời nhất trên thế giới, nhiều công trình dầu khí đang đi đến cuối vòng đời.
Hàng chục nghìn tấn thép chất lượng cao có thể được tái sử dụng trong các giàn khoan dầu mới.
Theo báo cáo năm 2021, Hiệp hội thương mại Oil and Gas UK (OGUK – Vương quốc Anh) - về sau đổi thành Offshore Energies UK (OEUK – Vương quốc Anh), ước tính khoảng hơn 1 triệu tấn tổng khối lượng giàn khoan sẽ bị loại bỏ khỏi các vùng biển trong thập kỷ này.
Một vài năm trước, OGUK cho biết con số này là 200.000 tấn. Tuy nhiên, tổng khối lượng đã tăng lên trước bối cảnh mở rộng và phát triển thị trường.
Ông Magnus cho biết thêm: “Ở phương diện toàn cầu, có lẽ sẽ có gần 10.000 công trình dầu khí trên biển phải “bơi” vào bờ vào một thời điểm nào đó”.
Kế hoạch tháo dỡ và tái chế tại Aker Solutions sẽ kéo dài đến năm 2028.
Nhiều gã khổng lồ lưỡng lự
Một trong những giàn khoan dầu lâu đời nhất của Na Uy tên Statfjord A đã đi vào hoạt động từ năm 1979. Giàn khoan dự kiến sẽ ngưng hoạt động vào năm 2022. Tuy nhiên, vào năm 2020, tập đoàn năng lượng khổng lồ Na Uy Equinor đã quyết định sẽ kéo dài tuổi thọ của giàn khoan cho đến năm 2027.
Hai giàn khoan Statfjord B và C thuộc mỏ hydrocarbon Statfjord cũng được kéo dài tuổi thọ ít nhất cho đến năm 2035.
Các công ty dầu khí cho biết muốn khai thác phần dầu khí còn “đáng kể” trong giếng, trước bối cảnh giá dầu tăng cao.
Lợi ích sinh thái
Mọi thứ vì thế mà phải biến mất? Nhiều nhà hoạt động môi trường không nghĩ vậy. Theo chi nhánh Na Uy của tổ chức môi trường Friends of the Earth, chân bê tông của các công trình dầu khí ban đầu, hoặc đế kim loại từ các công trình sau này, sẽ tạo thành san hô nhân tạo "tuyệt vời" nhờ vào các lỗ trống và độ nhám của chân giàn khoan.
Nhà sinh vật biển Per-Erik Schulze, cố vấn của tổ chức Friends of the Earth, cho biết thêm: “Có rất nhiều loài cá lớn sống gần giàn khoan dầu khí vì khu vực đó không cho phép đánh bắt cá. Do đó, các loài cá trong khu vực có thể thọ tới mười năm tuổi”.
Vì vậy, tổ chức phi chính phủ này khuyến nghị để nguyên các trụ bê tông và thiết lập các khu bảo tồn biển xung quanh chúng. Được biết, quá trình dỡ bỏ hoàn toàn mọi thứ của công trình dầu khí là vô cùng phức tạp.
Sau nhiều thập kỷ hút sạch đáy đại dương, ngành dầu mỏ sẽ đóng góp một phần vào việc bảo vệ nền sinh thái biển.