Nâng cao nhận thức về sinh vật biến đổi gene
Từ 25/3 đến 29/3 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học tổ chức Hội thảo tập huấn Khu vực châu Á về nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng về vận chuyển, xử lý và sử dụng an toàn sinh vật biến đổi gene.
Tham dự có đại diện các quốc gia trong khu vực là Việt Nam, Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Fiji, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Yemen.
Ngô biến đổi gene
Hội thảo đã giới thiệu các khái niệm và công cụ cũng như hỗ trợ các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về chiến lược nhằm nâng cao hợp tác khu vực, tiểu khu vực nhằm thực hiện Chương trình công tác về nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của công chúng về vận chuyển, xử lý và sử dụng an toàn sinh vật biến đổi gene.
Bên cạnh đó, các đại biểu được trang bị kiến thức trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông những thông điệp có định hướng, thúc đẩy nâng cao nhận thức về an toàn sinh học, thúc đẩy hợp tác khu vực và hình thành mạng lưới về nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của công chúng về sinh vật biến đổi gene.
Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ sinh học hiện đại ngày càng được ứng dụng rộng rãi với những sản phẩm thương mại tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, sau khi chính thức trở thành thành viên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố bộ máy quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý an toàn sinh học. Theo đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, lưu giữ sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.